Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Trẻ tích khôn, vào đời tích đức

Ngoài quản lý hai công ty kiến trúc nội thất, Thái Phan Ngọc Lan còn là chủ ba nhà hàng - cà phê Tây Tạng khi mới 28 tuổi. 


Mặc dù theo học ngành Đông Phương học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sau đó thi đậu vào trường ANU và sang Úc du học ngành Quan hệ cộng đồng (Xã hội học), nhưng sau khi tốt nghiệp và trở về nước năm 2005, Lan lại khởi nghiệp ở lĩnh vực khác.
Lan kể: “Sau khi tốt nghiệp về nước, tôi vẫn chưa định hướng sẽ làm gì, nhưng để có kinh nghiệm trước khi xin việc làm theo ngành mình chọn, tôi quyết định du lịch đến một số nước như Pháp, Bỉ, Thái Lan, Singapore, Nhật...
Khi đến các nước này, tôi đặc biệt thích quan sát kiến trúc của các đền, chùa và nảy ra mơ ước sẽ thiết kế, xây dựng một ngôi chùa ở Việt Nam đẹp như các ngôi chùa ở Nhật, Thái Lan và Campuchia.
Cũng trong thời gian ở Thái Lan và Singapore, tôi thấy ở các vùng ngoại ô có rất nhiều cơ sở gia công, sản xuất đồ gỗ. Tuy chưa có khái niệm về kinh doanh, nhưng tôi cũng muốn tìm hiểu về nghề này.
Qua một người quen, tôi xin vào làm ở khâu chuyển hàng cho một cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất ở Thái Lan với mục đích học cách họ chọn gỗ và chủng loại nguyên vật liệu.
Chẳng hạn, bí quyết mà tôi học được là dùng gỗ gì, da phải qua kỹ thuật “wash” (làm bạc màu) ra sao để tạo vẻ xưa cũ cho những mẫu sofa, giường, tủ, bàn, ghế thiết kế theo phong cách Hoàng đế; hoặc phải có kỹ thuật gì để gỗ không bị tét khi đóng đinh táng cho các mẫu mang phong cách cổ...”.
Không dừng lại ở Thái Lan, tôi qua Singapore và Hàn Quốc tiếp tục làm nhân viên để học nghề. Ngoài kỹ thuật, điều quý nhất mà tôi học được là tác phong làm việc rất nghiêm túc, cách quản lý, điều hành doanh nghiệp rất chuyên nghiệp, hệ thống và quy củ.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ông bà xưa nói không sai và nhờ “sàng khôn” đó, năm 2007, sau khi lấy chồng là một kiến trúc sư, Lan đã cùng chồng lập Công ty TNHH Xây dựng Kỹ thuật Sài Gòn và Công ty Art Decoration and Design.
Lan cho biết: “Sở dĩ tôi mạnh dạn mở công ty một phần là nhờ ông xã có “nghề”, phần nữa là do trước đó tôi đã lập trang web trao đổi về kiến trúc và văn hóa ở các nước Á Đông. Ở trang web này, tôi thiết kế những bộ tủ thờ gia tiên cho bạn bè lựa chọn.
Tôi nghĩ, ở các gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên không thể thiếu, nhưng ít ai nghĩ đến chuyện thiết kế bàn thờ như thế nào cho đẹp, không chỉ phù hợp với ngôi nhà, mà các vật dụng trưng bày cũng phải lạ mắt, có tính sáng tạo và sang trọng, tôn nghiêm.
Chính vì đánh trúng cái “cầu” đang thiếu nên các mẫu thiết kế của tôi được nhiều người hỏi mua và họ còn mời tôi tư vấn, thiết kế nội thất cho cả ngôi nhà của họ”.
Để mở rộng quy mô Công ty cùng với chọn hướng kinh doanh khép kín, từ xây dựng, thiết kế nội thất Lan quyết định mở xưởng sản xuất đồ trang trí nội thất bằng gỗ và sắt.
Lan nhớ lại những ngày đầu gian nan: “Lúc đó, khó khăn nhất là vốn sản xuất, kế đến là vấn đề nhân sự: nhân viên hầu hết không có tay nghề, làm việc không quy củ, tự giác. Người giỏi thì chỉ thích làm ở các công ty lớn.
Để giải bài toán này, tôi đã mời thợ giỏi từ Thái Lan và Singapore sang đào tạo thợ cho mình. Nhờ vậy, tay nghề thợ khá lên cùng với đơn đặt hàng gia công ngày càng nhiều.
Có lần tôi hỏi một khách hàng: “Vì sao ông đã tham khảo nhiều công ty lớn nhưng lại đặt hàng của chúng tôi?”. Ông ta nói: “Vì cô chân thực, không nói quá những gì làm được và sản phẩm lại có nhiều thiết kế độc đáo”.
Cũng từ câu nói này mà tôi ngộ ra “chân lý”: “Kinh doanh muốn có chỗ đứng bền vững thì phải chân thực, và nếu mình không đủ mạnh về tài chính thì phải tạo ra sự khác biệt và độc đáo”.
Lan cũng áp dụng chân lý này khi mở nhà hàng - cà phê Tây Tạng mang phong thái châu Á với không gian và cách trưng bày ấm áp, thân thuộc pha lẫn nội thất sang trọng kiểu châu Âu. Cô chia sẻ: “Ngoài thực hành cách pha chế và chế biến thức ăn học được khi làm thuê cho các nhà hàng bên Úc từ thời sinh viên, đây còn là nơi giúp tôi thỏa mãn ý thích sáng tạo”.
Hiện nay đã có tới ba nhà hàng - cà phê Tây Tạng ở TP.HCM và tất cả đều khá đông khách. Lan hào hứng: “Nhiều khách hàng đến đây không chỉ để uống cà phê, thưởng thức các món chay nấu theo kiểu Âu - nét đặc trưng của quán, mà còn để chụp hình, ngắm các vật dụng trang trí nội thất được tôi khéo léo thiết kế, trưng bày, thậm chí có nhiều người còn đòi mua vì thấy hợp sở thích”.
Điều đáng quý ở Lan không chỉ là nghị lực, quyết tâm thực hiện ước mơ, mà còn là cái tâm muốn chia sẻ lợi nhuận cho cộng đồng. Nhiều năm qua Lan đã tặng cho chùa Pháp Võ 348 triệu đồng để hoàn tất việc xây dựng sàn chánh điện hoa cương, tặng cho chùa Linh Ứng ở tỉnh Bắc Ninh 1,6 tỷ đồng để xây phần móng và phật đài cho tượng Phật Quan Âm. Cô còn đang gom góp tiền để xây thêm một ngôi chùa ở tỉnh Bình Dương. 



Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo DNSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét