Kiến thức mà con người học hỏi từ thành công thường rời khỏi não khá nhanh, còn bài học bổ ích mà chúng ta rút ra từ thất bại bám rễ trong ký ức suốt nhiều năm. Giáo sư Vinit Desai, một nhà khoa học của Đại học Kinh doanh Colorado Denver tại Mỹ, cho rằng thành công mang đến cảm giác vui sướng, song thất bại vẫn dạy chúng ta nhiều thứ hơn so với thành công.
“Chúng tôi nhận thấy kiến thức mà con người thu được từ thành công thường lướt qua trí óc tương đối nhanh, còn kiến thức từ thất bại bám rễ trong não nhiều năm. Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp có xu hướng phớt lờ thất bại hoặc không chú ý tới nó. Các nhà quản lý thường sa thải cấp dưới hoặc thay đổi toàn bộ đội ngũ nhân viên dưới quyền mỗi khi họ thất bại, song thực tế đó chính là cơ hội học hỏi quý báu của họ”, Telegraph dẫn lời Desai.
Telegraph cho biết, Desai và các đồng nghiệp tìm hiểu những công ty và tổ chức từng phóng vệ tinh nhân tạo, tên lửa và phi thuyền vào vũ trụ. Những công ty, tổ chức đó luôn gặp nhiều thất bại và không thể che giấu những thất bại, vì giới truyền thông luôn theo dõi họ sát sao.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy họ rút ra được rất ít điều bổ ích từ những thất bại trong quá khứ. Các nhà khoa học lấy những lần phóng tàu Atlantis và Challenger làm ví dụ.
Ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger thực hiện chuyến bay thứ 10 vào không gian, nhưng nó nổ tung ngay sau khi phóng khiến toàn bộ 7 nhà du hành thiệt mạng.
Thảm họa này khiến Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngừng phóng tàu con thoi trong ba năm và tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn đối với thiết kế của tàu vũ trụ. Nhóm điều tra đề nghị NASA thực hiện 29 thay đổi đối với thiết kế của tàu con thoi để ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai.
Nhưng vào năm 2002, trong một chuyến bay của tàu con thoi Atlantis, một mảnh xốp cách nhiệt văng ra và gây hư hỏng ở động cơ đẩy song không cản trở kế hoạch phóng tàu. Vì thế các chuyên gia kỹ thuật không điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân khiến miếng xốp văng ra.
Theo Desai, sự khác biệt trong phản ứng của NASA đối với hai sự cố xuất phát từ cách nhìn nhận sự việc. Họ cho rằng vụ nổ tàu Challenger là thất bại, còn việc miếng xốp cách nhiệt văng ra khỏi tàu Atlantis không phải là thất bại.
“Mỗi khi một công ty gặp thất bại mọi người trong công ty sẽ cố gắng tìm kiếm giải pháp. Sau khi tìm thấy giải pháp đội ngũ lãnh đạo sẽ buộc phải áp dụng. Thất bại cũng khiến các nhà quản lý thay đổi tư duy theo hướng cởi mở hơn. Mức độ tiếp thu ý kiến của họ cũng sẽ cao hơn”, Desai nhận định.
Vị giáo sư nói hàng không là một trong những ngành công nghiệp học hỏi được nhiều tri thức nhất từ thất bại, đặc biệt là trong vấn đề an toàn.
“Mặc dù hàng ngày có rất nhiều phi cơ bay trên bầu trời, song các chuyến bay vẫn rất an toàn. Số lượng tai nạn trong ngành hàng không thấp hơn rất nhiều so với các phương tiện vận tải khác”, Desai phát biểu.
Một nghiên cứu trước đây chứng minh rằng những hãng hàng không càng gặp nhiều tai nạn trong quá khứ thì số vụ tai nạn trong hiện tại và tương lai càng giảm.
Tuy nhiên, giáo sư Desai cho rằng chúng ta không nên cố ý tạo ra những thất bại để học hỏi. Thay vào đó, ông khuyên các tổ chức phân tích kỹ lưỡng những sự cố nhỏ để rút ra thông tin hữu ích nhằm tránh những thất bại lớn.
“Điều quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra từ nghiên cứu này là các nhà lãnh đạo không nên phớt lờ những thất bại, song cũng không nên phê phán hay trừng phạt những người không thành công. Thay vào đó họ nên coi những thất bại là cơ hội học hỏi vô giá, đồng thời khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin về thất bại để rút kinh nghiệm”, Desai bình luận
SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét