Các nhà giáo dục người Đức đã nói về nhà giáo dục Montessori như sau: “Trong lịch sử nền giáo dục, những nhà giáo dục được mọi người biết đến như Montessori là không nhiều. Chỉ có duy nhất phương pháp giáo dục Montessori có thể vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến trên thế giới.”
Sở dĩ phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là do bà dựa trên cơ sở đúc kết những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, Froebel để hình thành quan điểm về trẻ em mang tính cách mạng của riêng mình. Bà cho rằng, từ khi sinh ra trẻ em đã có một “sức sống nội tại” rất tích cực và không ngừng phát triển. Nó mang trong mình sức mạnh vô biên. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được “sức sống nội tại” đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng.
Bà cho rằng, không nên đối xử với trẻ em như thể chúng là một vật thể, mà nên đối xử với chúng như con người. Trẻ em không phải cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ em không phải là sáp hoặc bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải tấm gỗ có thể khắc gì lên trên cũng được, không phải cái cây để cha mẹ và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải loài vật được nuôi dưỡng. Trẻ em là người có sức sống, năng động, hoạt bát và luôn phát triển. Các nhà giáo dục, thầy cô giáo và cha mẹ nên quan sát và nghiên cứu trẻ em thật kỹ lưỡng, tìm hiểu thế giới nội tâm của chúng, phát hiện “bí mật thời thơ ấu”, phải yêu thương trẻ em, tôn trọng tính cách của chúng, giúp trí não, tinh thần, thân thể và tính cách của trẻ phát triển tự nhiên.
Nghệ thuật nuôi dạy trẻ đỉnh cao - Phương pháp Montessori
Dựa vào tài liệu quan sát và thực nghiệm tại “Ngôi nhà trẻ thơ”, bà Montessori đã đưa ra một loạt các quy luật có liên quan đến việc phát triển của trẻ em. Tiêu biểu như: Quá trình phát triển của trẻ em có tính giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ 0 đến 6 tuổi) là giai đoạn hình thành tâm lý của trẻ em. Trong đó, từ mới sinh đến 3 tuổi là “giai đoạn phôi thai tâm lý”. Trong giai đoạn này, trẻ không có các hoạt động tâm lý có ý thức mà chúng chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách vô thức. Giai đoạn còn lại là giai đoạn hình thành tính cách, trẻ em chuyển dần từ vô thức sang có ý thức, khả năng ghi nhớ, hiểu và tư duy dần hình thành, mối liên hệ giữa các hoạt động tâm lý cũng từng bước được tạo nên, đặc điểm tâm lý tính cách cũng xuất hiện. Giai đoạn thứ hai (từ 6 đến 12 tuổi) là giai đoạn tâm lý trẻ phát triển tương đối ổn định. Giai đoạn thứ ba (từ 12 đến 18 tuổi) là giai đoạn có những thay đổi lớn và từng bước trưởng thành.
Ở Việt Nam, phương pháp Montessori chưa được phổ biến rộng rãi, hay nói đúng hơn với đại bộ phận các bậc phụ huynh và giáo viên, đây còn là phương pháp mới mẻ. Hơn nữa, những cuốn sách có bản quyền về phương pháp Montessori hầu như không được xuất bản do bà Montessori đã qua đời cách đây khá lâu. Vì thế nhóm biên soạn mạn phép được tổng hợp các tài liệu về phương pháp này để biên soạn nên cuốn sách Phương pháp Motessori, chỉ với mục đích duy nhất là mong muốn nhiều trường mầm non, nhiều gia đình có thể hiểu một cách cơ bản về phương pháp, để từ đó học hỏi và áp dụng cho con em mình. Cuốn sách sẽ sơ qua về những ưu điểm của phương pháp này, các lĩnh vực giáo dục phương pháp Montessori. Cuối cùng mục đích của chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên theo phương pháp Montessori sẽ là những đứa trẻ tự tin độc lập, phát triển toàn diện và cảm nhận cuộc sống với một thái độ trân trọng và hạnh phúc."
Mục lục:
I. Lời nói đầu
II. Những ưu điểm của phương pháp Montessori
1. Lớp học Montessori
2. So sánh giữa phương pháp Montessori và Phương pháp giáo dục truyền thống của Việt Nam
3. Phương pháp Montessori giúp trẻ sống có kỉ luật và độc lập
4. Thiết kế bài học theo phương pháp của Montessori
III. Các lĩnh vực giáo dục cơ bản của Phương pháp Montessori
1. Phát triển kĩ năng cuộc sống
2. Phát triển giác quan
3. Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ để nhận thức thế giới xung quanh
4. Dạy trẻ học Toán
5. Kiến thức chung về văn hóa
IV. Thực hành phương pháp Montessori có tính giai đoạn
V. Giáo viên cần có tố chất gì để thực hành phương pháp Montessori cho trẻ
VI. Lợi ích mà Phương pháp Montessori mang lại cho trẻ
Giới thiệu tác giả của phương pháp Montessori:
Maria Montessori là nhà giáo dục, bác sĩ người Ý. Sau khi tốt nghiệp Đại học Roma, bà được giữ lại làm bác sĩ phụ tá chuyên khoa lâm sàng tại viện Tâm thần của trường. Tại đây bà đã miệt mài nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ chậm phát triển và đã trở thành hiệu trưởng của trường dành cho trẻ em chậm phát triển. Không lâu sau đó, bà tiếp tục học chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, triết học tại Đại học Roma và lập nên “Ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên. Phương pháp giáo dục Montessori được hình thành trên cơ sở thực nghiệm, quan sát và nghiên cứu đã tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng cho nền giáo dục trên thế giới và nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp các nước. Một nhà giáo dục của Anh đã ca ngợi bà là “Một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất mang đến sự tiến bộ cho khoa học và được thế giới công nhận của thế kỷ 20.” Các nhà giáo dục Mỹ cho rằng “Khi nói đến vấn đề giáo dục trẻ em giai đoạn trước khi đi học không thể không nhắc đến phương pháp Montessori.”
Xem trích đoạn sách:
« Một số quan niệm về giáo dục truyền thống thì cho rằng, trẻ em thì chỉ nên ăn chơi nô đùa. Ý chúng ta muốn nói ở đây là trẻ nhỏ không nên lãng phí quá nhiều sức lực vào những thứ mà người lớn chỉ làm trong nháy mắt, hơn nữa dùng sức mạnh mỏng manh của trẻ để lao động cũng không có sức cống hiến, không mang lại lợi ích gì nhiều cho bản thân trẻ hay cho bất kỳ người nào khác.
Vì vậy, những chủ trương của chúng ta ở trên đây hoàn toàn là quan niệm phiếm diện, một chiều. Trên thực tế thì trẻ cũng không hề đang được nghỉ ngơi, mà chúng đang tiến hành một quá trình lao động trí óc thần bí nào đó, nhằm hoàn thành mục tiêu “tự hình thành” của mình. Trẻ đang lao động để trở thành một con người, nếu muốn trở thành một người lớn, nếu chỉ dựa vào sự trưởng thành về thân thể sẽ là điều không đủ, trẻ còn phải chuẩn bị nhiều thứ có liên quan đến bản chất hệ thống thần kinh và chức năng của hệ thống thần kinh, hơn nữa trí tuệ cũng cần phát triển tới một trình độ nhất định nào đó mới được.
Chức năng mà trẻ cần chuẩn bị được phân làm hai loại:
Chức năng hệ thống thần kinh vận động. Dựa vào chức năng này, trẻ sẽ có được sự cân bằng, trẻ sẽ biết học cách tập đi và biết cách phối hợp nhịp nhàng các động tác giữa tay và chân.
Khả năng cảm nhận. Dựa vào khả năng này, trẻ sẽ biết cảm nhận môi trường sống xung quanh, thông qua đó trẻ sẽ không ngừng quan sát, so sánh và đánh giá, nhằm tạo ra nền tảng cho sự phát triển về trí tuệ.
Như vậy, dần dần trẻ sẽ thấy quen thuộc với môi trường sống xung quanh đồng thời phát triển khả năng trí tuệ của mình. Trẻ sẽ vận dụng, luyện tập khả năng về ngôn ngữ của mình, cái mà trẻ đối mặt không chỉ là những vấn đề về sự vận động dây thần kinh được sinh ra trong việc phát âm, cách sử dụng ngôn ngữ, câu từ mà trẻ còn hiểu được cấu tạo của tên gọi và văn phạm trong câu nói.»
[…]
« Chúng ta thường quen với việc phục vụ bọn trẻ. Làm như vậy là chúng ta đang khiến chúng hình thành thói quen ỷ lại và sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động của chúng. Chúng ta thường coi trẻ em là những con rối để rồi đối xử với chúng như với búp bê, chúng ta tắm cho chúng, cho chúng ăn. Trong khi đó, chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến cảm nhận của những đứa trẻ. Thực ra, chúng phải tự làm những việc đó. Tạo hóa ban cho chúng điều kiện về thể chất và trí tuệ để làm những việc đó. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là giúp đỡ chúng khi cần thiết. Nếu một bà mẹ không dạy trẻ cách cầm thìa để đưa thức ăn vào miệng bằng cách làm mẫu, thì đó không phải là một bà mẹ tốt, vì người mẹ đó đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của con mình. Vì người mẹ đó đã coi con mình như là búp bê, chứ không phải như một con người mà tạo hóa đã giao nhiệm vụ chăm sóc vào tay bà.
Ai cũng biết rằng, dạy một đứa trẻ tự ăn cơm, tự giặt và mặc quần áo là một việc khó khăn và nhàm chán. Điều đó cần sự kiên nhẫn hơn cả khi cho chúng ăn, giặt hay mặc quần áo cho chúng. Nhưng dạy trẻ tự làm việc là công việc của một nhà giáo dục, còn làm thay chúng là công việc đơn giản của một người phục vụ. Công việc phục vụ đối với người mẹ là rất dễ dàng, nhưng lại có hại cho đứa trẻ, bởi vì việc đó sẽ gây trở ngại trong quá trình trưởng thành của trẻ, ảnh hưởng đến việc tự học của chúng.
Hậu quả khi luôn phục vụ con mình là rất nghiêm trọng. Những nhà quý tộc có rất nhiều người hầu xung quanh sẽ càng ngày càng phụ thuộc vào những người hầu đó, thậm chí đến cuối đời trở thành nô lệ của họ, khi mà cơ bắp không được vận động dần trở nên yếu hơn và cuối cùng mất khả năng hoạt động tự nhiên. Những người không bao giờ làm gì mà chỉ biết ngồi một chỗ ra lệnh sẽ rất u uất và chậm chạp. Cho đến một ngày, khi nhận ra hoàn cảnh của mình và muốn lấy lại sự độc lập, thì họ mới phát hiện ra rằng mình đã không còn khả năng độc lập nữa. Đối với những đứa trẻ có điều kiện gia đình tốt, chúng ta nên nói với cha mẹ chúng về hậu quả nguy hiểm mà điều kiện vật chất của gia đình họ có thể mang lại. Những sự giúp đỡ không cần thiết mới là rào cản của phát triển tự nhiên.”
Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét