Chuyện thay “tướng” ở các công ty, doanh nghiệp (DN) đa phần diễn ra bình thường vì hết nhiệm kỳ hoặc bổ nhiệm lại. Tuy nhiên, có những cuộc thay “tướng” mà đằng sau đó để lại nhiều dư luận, cũng đồng thời cho thấy sức ép tại thị trường Việt Nam đối với các tập đoàn đa quốc gia ngày càng nặng nề.
Số lượng thuê bao thực đang hoạt động của Beeline chưa đạt đến con số 100.000 thuê bao, giảm tới 20 lần so với cuối năm ngoái |
Lý do thay “tướng” nhanh như thế không được giải thích, song từ ngoài nhìn vô có thể thấy sự “thay ngựa giữa dòng” của các đại gia có tính toán chủ yếu trên thị trường kinh doanh, mà yếu tố quan trọng nhất để thay đổi xuất phát từ việc quản lý, điều hành hoặc kinh doanh chưa hiệu quả.
Một nhãn hiệu lớn khác là Microsoft cũng có đợt thay “tướng” gây sốc trong giới công nghệ. Đó là chuyện ông Malcolm De Silva mới sang Việt Nam nhậm chức từ tháng 4/2011 đã đột ngột xin từ nhiệm vì lý do gia đình.
Microsoft bổ nhiệm mới một lúc ba chức danh: Tổng giám đốc và hai Giám đốc Bộ phận. Tính ra ông Silva mới làm việc tại Việt Nam được hơn một năm, chưa hết nhiệm kỳ. Đáng nói là, “đi chùm” theo ông Silva còn có Giám đốc Marketing Stepane Kimerlin nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm việc chưa đầy hai năm.
Hơn một năm về trước, thông tin ông Thân Trọng Phúc, người đã làm việc tại tập đoàn Intel mười năm, và cũng có thể được xem như một “công thần” của Intel tại thị trường Việt Nam ở vị trí Tổng giám đốc, đột ngột rời tập đoàn này cho dù thị phần của Intel vẫn đang chiếm thế áp đảo.
Các tập đoàn ngoại rất chặt chẽ và kín kẽ trong phát ngôn theo hướng “tốt khoe, xấu che”. Khi bà Debjani Ghosh, Tổng giám đốc Intel khu vực Đông Nam Á, đề cập đến sự thay đổi này đã không hề để hở chút gì về sự rạn nứt nội bộ.
Với vị trí tổng giám đốc của một tập đoàn lớn đa quốc gia tại Việt Nam, lương bổng hàng tháng lên đến hàng chục ngàn USD, vì thế chẳng ai dại gì mà rời bỏ vị trí ấy. Nhưng có những trường hợp, không đi không đặng.
Sự bất ổn hay bất nhất trong nội bộ giữa “tướng” ngồi tại Việt Nam với các “tướng” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể dẫn đến những cuộc ra đi. Hoặc cũng có thể, vị “tướng” nào đó đã không đạt được các mục tiêu đặt ra nên không thể ở lại.
Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của một tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ khi đã rời đi sau bảy năm làm việc, thổ lộ: “Vấn đề không hề đơn giản. Vì sự bất đồng quan điểm về chiến lược đầu tư trong khu vực, cụ thể là Việt Nam, sẽ khiến mình khó có thể tiếp tục làm việc. Chỉ còn cách nghỉ là tốt nhất”.
Tập đoàn này sau đó bổ nhiệm một nữ Tổng giám đốc nhưng chẳng bao lâu cũng phải ra đi vì nhiều “phốt” trước đó và khả năng cũng không đáp ứng.
Trong những cuộc “thay ngựa giữa dòng”, “tướng” nào nhanh nhạy biết ra đi trước khi để mọi chuyện xấu hơn và bị sa thải, thì có thể cứu vãn không chỉ danh dự cho mình mà còn bảo vệ được hình ảnh của tập đoàn.
Quay lại việc thay tướng tại Microsoft Việt Nam, thông tin từ nội bộ cho biết, khi ông Malcom De Silva sang Việt Nam với một mục tiêu mạnh mẽ là “thay máu” đội ngũ để đạt mục tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Ông Silva đã “thay máu” được một phần, nhưng lại không nhìn thấy tương lai thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam nên lấy “lý do gia đình” để từ nhiệm. Cũng như vậy với trường hợp của ông Stephane Kimerlin, người được cho là rất có năng lực.
Ở vị trí Giám đốc Marketing nắm hầu bao của Microsoft tại Việt Nam nhưng rồi ông Stephane cũng phải ra đi nhưng lại không tìm được một vị trí công việc đúng ngành trong Microsoft hiện nay.
Trước cuộc thay “tướng” tại Microsoft, một vị tiến sĩ tin học ở Hà Nội đã hé lộ cho người viết về thông tin ra đi của ông Silva, với lý giải là vì áp lực doanh thu không đạt.
Theo công bố từ Công ty nghiên cứu thị trường Pyramid, doanh thu dịch vụ viễn thông của Việt Nam năm 2010 đạt con số 5,9 tỷ USD, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2007.
Doanh thu năm 2010 của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam ước đạt 2 tỷ USD, tăng gấp 40 lần trong 10 năm qua. Nhân lực trong ngành cũng tăng tới 20 lần với hơn 100 nghìn lao động. Với các con số này, tại châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng.
Trong các thông báo đưa ra, hầu hết lãnh đạo của các công ty đa quốc gia đều khẳng định Việt Nam sẽ là thị trường hàng đầu tại khu vực. Thị trường Việt Nam được đẩy lên làm thị trường điểm đối với nhiều tập đoàn công nghệ thông tin, vì thế áp lực doanh số ngày càng lớn.
Có lẽ đây cũng là lý do để Beeline ra thông báo thay “tướng”: nguyên Tổng giám đốc Alexey Blyumin sẽ chuyển sang làm Giám đốc Điều hành mạng di động thứ hai của Vimpelcom tại Kazahkstan.
Ông Michael Cluzel |
Từ cuộc thay “tướng” này, có lẽ Beeline kỳ vọng một sự thay đổi mạnh mẽ về thị phần tại Việt Nam. Cuộc ra đi của ông Alexey có thể thấy trước vì Beeline dù được đầu tư hoành tráng nhưng đang chìm nghỉm giữa các thương hiệu viễn thông khác tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, năm 2011, số lượng thuê bao thực đang hoạt động của Beeline chưa đạt đến con số 100.000 thuê bao, giảm tới 20 lần so với cuối năm ngoái.
Chia sẻ về việc tại sao Beeline phát triển khá tốt sau khi khai trương, nhưng hơn một năm sau, lượng thuê bao cũng như thương hiệu sụt giảm rất nhanh, tân Tổng giám đốc Michael Cluzel tự tin nói:
“Đến bây giờ chúng tôi bắt đầu trở lại hoạt động và số lượng thuê bao, doanh thu cũng phát triển tương đối nhanh. Chúng tôi đã quay lại. Giờ là lúc để Beeline phát triển”.
Về kế hoạch sắp tới tại Việt Nam, ông Michael Cluzel cho biết, Beeline Beeline dự định xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên Beeline lên tới 1.000 người.
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo DNSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét