Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Bernard Arnault: đại sứ văn hóa Pháp qua các thương hiệu

Khủng hoảng kinh tế, chiến tranh nội bộ tập đoàn, những khó khăn tự phát, Arnault đều đã vượt qua tất cả để lớn mạnh hơn bao giờ hết. TBT tờ Vogue Anna Wintour từng nhận định: "Tôi cho rằng chẳng gì trên thế giới này ngăn cản được Bernard Arnault."
Truyền thống, thời thượng, cách tân và đột phá
Đối với Arnault, sản phẩm của ông không đơn thuần chỉ là công cụ tạo ra lợi nhuận (50% đối với Dom Pérignon, và 40% là khoản Vuitton đem lại). Chúng là những đồ tạo tác sống động, đượm linh hồn và phong cách của cả một quốc gia. "Tôi tự xem mình là một đại sứ văn hoá Pháp", ông tự hào. "Thiết kế của chúng tôi mang đậm tính biểu tượng. Chúng thấm đẫm hơi thở xa xưa từ lâu đài Versailles, từ Marie Antoinette" Và hơn thế nữa. Trong bộ sưu tập khổng lồ của ông còn có một chiếc mũ từng thuộc sở hữu của Napoléon, một bức phác hoạ năm 1951 của Christian Dior. Cùng lúc giữ lại truyền thống, sản phẩm của Arnault vẫn thời thượng và mang nhiều cách tân đột phá.
Arnault đã thay đổi thành công Louis Vuitton, vốn được biết đến là nhà sản xuất rương hòm đơn thuần, cứng nhắc, ù lì và đơn giản. Khi Arnault tiếp quản LVMH năm 1990 sau một cuộc đấu tranh cam go dài 3 năm đằng đẵng, ông ngay lập tức chiêu mộ nhà thiết kế Mỹ Marc Jacobs- chủ nhân ý tưởng về bộ sưu tập thời trang mang tính ứng dụng cao Louis Vuitton; cùng lúc ký kết hợp tác với nhiều nghệ nhân xuất chúng như Takashi Murakami.
Nghệ nhân Nhật Bản này đã cải biến logo nâu - vàng nhạt huyền thoại của LV bằng màu sắc tươi sáng hơn với hình ảnh nhiều nhân vật hoạt hình vui nhộn trong một dòng sản phẩm đặc biệt. Dòng sản phẩm đó đã thành công rực rỡ, với tốc độ "bốc hơi" khỏi giá trưng bày nhanh đến chóng mặt. Ở Dior, Arnault giao quyền thiết kế cho "anh chàng bụi bặm" Brit John Galliano để khuấy động, đem lại sức trẻ cho nhãn hàng đã có phần già cỗi.
Arnault vốn nổi tiếng với việc hợp tác rất tốt với nhiều nhà thiết kế lập dị. ("Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên gặp Galliano. Thư ký văn phòng của tôi lúc ấy báo cáo ''Có một thanh niên trông rất kỳ cục đang đợi ngoài sảnh. Anh ta đội mũ Ả rập và mặc áo phông rộng thùng thình!''") Nhưng trong cuộc phỏng vấn, ông để lại ấn tượng rất mẫu mực, tỏ ý thoải mái khi ngồi trong phòng chờ hơn là trong văn phòng rộng rãi, tiện nghi ở góc Đại lộ Montaigne xa hoa. "Chìa khoá thành công chính ở mối liên hệ giữa đôi bên, sự chung thuỷ bền vững và phong cách hiện đại ở mức cao nhất", ông đúc kết.

 "Tôi tự xem mình là một đại sứ văn hoá Pháp"
"Ông ấy có tầm nhìn của một chiếc trực thăng"
Bây giờ câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào Arnault có thể điều hành tất cả mọi thứ: hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm đang chuyển động vun vút trong guồng quay qua tay nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhân viên bán hàng; công việc của hơn 76,000 nhân viên tập đoàn; và niềm tự hào lớn lao về hình ảnh LVMH? Dĩ nhiên không gì khác, điều kỳ diệu làm nên từ cá tính và bản lĩnh của chính Arnault. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ. "Điều cốt lõi để lãnh đạo tập đoàn lớn như thế này là sự phân phối quyền lực hợp lý", Arnault lạnh lùng. "Đơn giản, ban cần một đội ngũ quản lý giàu năng lực".
Với riêng Arnault đội ngũ đó là một nhóm nhỏ gồm 5,6 đồng sự đáng tin cậy, đa số họ là giám đốc các nhãn hiệu "con cưng" và 2 người con của ông. Họ bao gồm Yves Carcelle giám đốc Louis Vuitton; Toledano, người đứng đầu Dior; Pierre Godé phó chủ tịch LVMH; Philippe Pascal, phụ trách nhóm hàng đồng hồ và trang sức; Christophe Navarre, điều hành nhóm rượu và rượu mạnh; và cuối cùng Nicolas Bazire, giám đốc chiến lược phát triển. Tất cả họ, cùng với Delphine và Antoine Arnault đã làm việc từ giữa những năm 90, một số có thâm niên lâu năm hơn. Arnault đều đặn gặp gỡ các đồng sự thân cận ít nhất 1 lần mỗi tuần, cùng thảo lại chiến lược và thiết kế. Quyết định của Carcelle đưa nhà thiết kế trẻ Marc Jacobs về Vuitton năm 1997 và quyết định thuyên chuyển Galliano từ Givenchy về Dior năm 1996 đều là đề nghị của Arnault đối với giám đốc của từng nhãn hiệu.
Arnault luôn chú tâm đến hoạt động của công ty "tại trận". Ông thường xuyên ghé thăm các cửa hàng, ghi chép lại tất cả các tiểu tiết cần lưu ý như nhạc nền bật quá to hay điều hoà sưởi bật quá thấp; cũng như lời ngợi khen phóng khoáng đối với những nhân viên ông cho rằng rất tháo vát và tận tình.
"Ông ấy có tầm nhìn của một chiếc trực thăng", Toledano nói. "Ông ấy bao quát được toàn bộ, nhưng cũng không ngại đáp xuống đất để tận tay chạm vào thứ gì đó" Ở lĩnh vực đồ uống, tuy không kỹ càng như với bên thời trang hay hoạt động bán lẻ, nhưng nói chung Arnault vẫn theo dõi sâu sát tất cả các thương hiệu thuộc Moët-Hennessy, bao gồm cả hệ thống nhà máy sản xuất rượu vang ở California và Australia. Arnault bộc bạch rằng ông muốn các giám đốc của ông đổ tâm huyết vào bộ phận của mình như thể đây là tập đoàn của gia đình họ. "Louis Vuitton cần được lãnh đạo như thể Yves Carcelle là chủ nhân thực sự của thương hiệu này".
Quan hệ công việc dần phát triển thành tình cảm giữa những người ruột thịt. "Chúng tôi sẽ giữ gìn công ty giống như một gia đình". Delphine và Antoine từng phát biểu họ chưa từng bị áp lực rằng phải làm việc cho cha mình, tự chính họ cảm thấy mình bị cuốn theo một cách đầy hứng khởi từ khi tuổi còn rất trẻ. Ngay từ khi Arnault vẫn đang đấu tranh giành quyền lãnh đạo LVMH năm 1989, Antoine lúc đó mới có 12 tuổi luôn được "cha giải thích tường tận cho tôi hiểu chuyện là như thế nào".
"Cha tôi luôn nói, ''Nếu con muốn làm việc với cha, con phải phấn đấu nhiều hơn người bình thường, và vẫn làm tốt ở trường học" chàng trai trẻ bảnh bao, hoạt bát, hiện đại Antoine nhớ lại.  Sau khi lấy được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, Antoine dành 2 năm làm các công việc tiếp thị, đầu tư chứng khoán, rồi cần mẫn làm trợ lý bán hàng 3 tháng tại đại lý Vuitton trên Đại lộ Champs Elysées. Cuối cùng anh tiếp quản chuỗi 13 cửa hàng nằm ngoài Paris.
Hai người con họ Arnault đều vô cùng ngưỡng mộ, thậm chí tôn sùng người cha của mình. "Tôi cho rằng ông ấy chính là người nhìn xa trông rộng nhất trong thời đại chúng ta" - Delphine. Cô gái tóc vàng dong dỏng cao vẫn cặm cụi làm việc tại văn phòng trên trụ sở Dior cả khi đồng hồ đã chỉ 7:45 tối. "Tôi hạnh phúc vì được là một phần công trình sáng tạo của cha tôi". Con trai thứ 3 của ông, Alexandre 18 tuổi cũng sớm tỏ ý muốn được làm việc tại LVMH.
"Chẳng có gì trên thế giới này ngăn cản được Bernard Arnault"
Năm 1990, Bernard Arnault giành được quyền quản lý toàn bộ tập đoàn. Ông nhanh chóng đưa công ty vào quỹ đạo hoạt động theo cách của mình. Để dọn đường đưa LVMH lên hàng đầu trong lĩnh vực đồ xa xỉ, Arnault thực sự đã chiến đấu. Trong thập niên 90, ông bỏ ra hàng tỷ USD mua lại những thương hiệu lừng lẫy: thời trang Fendi, Kenzo, Thomas Pink..., chế tác trang sức và đồng hồ đeo tay - Chaumet, Zenith, TAG Heuer, chuỗi cửa hàng bán lẻ DFS, Sephora; thậm chí cả những nhãn hàng xa hoa bậc nhất như Berluti (chuyên sản xuất giày lễ phục cho nam giới).
Tập đoàn của ông đã từng kinh qua nhiều sóng gió. Sau khi thất bại trong việc giành lấy Sotheby''s, Arnault quyết định mua công ty Phillips - một công ty chuyên đấu giá năm 1999 với 97 triệu USD. Thảm hoạ 11/9 kéo theo thiệt hại rất lớn trong công việc kinh doanh, và Arnault lại bán đi Phillips năm 2002. Cố gắng xây dựng một nhãn hiệu thời trang đã thất bại. Thương hiệu Christian Lacroix - thành lập năm 1987- vốn khởi đầu với dòng trang phục sang trọng nay đang cố gắng vùng vẫy với loạt sản phẩm thực dụng , cũng không mấy hiệu quả. Tồi tệ nhất là khi Arnault cố gắng đưa hãng thời trang Gucci về tập đoàn của mình, nhưng rồi để tuột vào tay tỷ phú Pháp François Pinault. Gucci trở thành đối thủ máu mặt trong nhiều lĩnh vực cho đến ngày nay.
Gần đây nhất, ông thâu tóm thương hiệu Hèrmes. Arnault tạm hài lòng với công cuộc mở rộng danh sách nhãn hàng, từ đây tập trung vào công cuộc gọt giũa các sản phẩm cao cấp của mình. Tại văn phòng trụ sở trên Đại lộ Montaigne, nơi đặt gian hàng Dior lớn nhất Paris, Delphine tập trung giám sát xưởng máy chế tác trang phục. Nơi đây gần 40 thợ may lành nghề tỷ mỷ may, thêu với vải voan, kim tuyến, tơ lụa để tạo nên những chiếc đầm quý phái lộng lẫy có một không hai theo thiết kế của John Galliano, với giá có thể lên tới 35,000 USD. Mỗi chiếc váy được may riêng và thêu tên nữ chủ nhân trên đó, rất nhiều trong số họ là vợ của các "ông trùm" dầu mỏ tại Trung Đông.
Dù thoạt nhìn giá những sản phẩm kiểu này quá cao, nhưng chi phí làm ra chúng cũng lớn không kém. Có thể mất tới hàng trăm giờ để hoàn thành một bộ y phục riêng biệt. Y phục sang trọng đưa Dior trở thành nhãn hàng hoàn hảo nhất trong ngành thời trang Pháp. Nó cũng cung cấp phục trang cho tuần lễ thời trang Paris- nguồn cảm hứng vô tận và nguồn tiêu thụ đầy hứa hẹn.
Đội ngũ quản lý và chiến lược phối hợp như người cùng một nhà vẫn tiến triển tốt đẹp. Arnault hy vọng một ngày nào đó, các con trai ông đủ tâm và đủ tài để xứng đáng tiếp quản tập đoàn. Nhưng đương nhiên, chỉ có người thể hiện tốt nhất mới là người chiến thắng. Không thể cứ làm theo kịch bản cha truyền con nối. "Tôi nghĩ chúng tôi làm được", Antoine lạc quan cười. "Còn đến 20, 25 năm nữa để suy tính tương lai cho chúng tôi. Cha tôi chưa về nghỉ nhanh vậy được."
Khủng hoảng kinh tế, chiến tranh nội bộ tập đoàn, những khó khăn tự phát, Arnault đều đã vượt qua tất cả để lớn mạnh hơn bao giờ hết. Xin dẫn lời tổng biên tập tờ Vogue Anna Wintour thay lời kết: "Tôi cho rằng chẳng gì trên thế giới này ngăn cản được Bernard Arnault."


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Forbes/Vef)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét