Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Hiểu người hiểu mình, lấy tài tạo thế

Nền giáo dục càng tốt, kinh tế càng phát triển, doanh nghiệp càng dễ kiếm tiền. Chuyện giáo dục nước ta còn yếu kém thì ai cũng biết nhưng cải cách giáo dục là chuyện lâu dài, còn làm ăn thì tức thời. Ngồi yên đợi đến khi mọi thứ hoàn hảo mới làm, dễ lỡ mất thời cơ, tiền bạc hao hụt, nhuệ khí sa sút.

Khi gặp tình hình bất lợi, phải tìm cho ra điều lợi mới thành đại sự. Hai bí quyết giành lợi thế trên thương trường có liên quan đến óc sáng tạo và năng suất là thấu hiểu thiên cơ và tùy cơ ứng biến.
Thấu hiểu thiên cơ
Doanh thu quyết định số phận công ty. Đấu trên thương trường, ý khách hàng là ý trời. Làm ra cái người ta cần, dù doanh nhân không bằng cấp, doanh nghiệp vẫn sống khỏe. Không nắm được ý khách hàng, người lãnh đạo dù có tốt nghiệp trường đại học hàng đầu trên thế giới doanh nghiệp cũng khó tránh khỏi cảnh lao đao.
Biết người nghĩ gì, sẽ biết mình phải làm gì. Steve Jobs, nhà lãnh đạo huyền thoại của Apple, không có một quá trình học vấn đáng để tự hào. Ông bỏ học đại học chỉ sau một học kỳ. Nhưng cuộc đời của ông là chuỗi dài những ngày tháng miệt mài học cách hiểu khách hàng, ông nói rằng, “tôi đặt cược vào nơi trái banh sẽ lăn, chứ không phải nơi nó đã lăn”. Hơn ai hết, ông hiểu rõ chỉ khi nắm rõ khách hàng “sẽ” cần gì, ông mới có thể hô mưa gọi gió.
Ông miệt mài sáng chế và đồng sáng chế hơn 230 phát minh các ứng dụng liên quan đến máy vi tính, công cụ xách tay, giao diện sử dụng… Ông vật lộn trước thất bại của Apple III. Hiểu sai khách hàng, sản phẩm thất bại, ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm. Ông kiên trì cải tiến sản phẩm cho đến khi khách hàng ưa thích (iPod đời 1, 2…).
Không như những doanh nhân khác có tình yêu mù quáng với những thứ mình làm ra, ông thẳng tay loại bỏ những thứ khách hàng không thích. Ông mở to mắt, lắng nghe kỹ khách hàng. Từ Apple I cho đến MacIntosh, iPod và iPhone, những gì Steve hiểu về khách hàng đã giúp ông vươn đến vị trí những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới (theo danh sách bình chọn của tạp chí Forbes).
Tùy cơ ứng biến
Năng suất lao động đến đâu, tạo ra sản phẩm đến đó. Chất lượng giáo dục giảm, năng suất lao động thấp, doanh nghiệp luẩn quẩn ở sản phẩm thô sơ. Chất lượng giáo dục tăng, năng suất lao động cao, doanh nghiệp tung hoành với sản phẩm trí tuệ. Năng suất lao động càng cao, doanh nghiệp càng nhiều lựa chọn, ngược lại doanh nghiệp sẽ ít lựa chọn hơn. Ít cơ hội thì phải chọn khéo, có tiền mới có thể đi tiếp. Chọn đúng cơ hội, tiền sinh sôi nảy nở, kiến thức, kinh nghiệm ngày càng phong phú. Chọn sai cơ hội, doanh nghiệp tiêu tốn thời gian, tiền bạc, dễ gặp bất trắc giữa đường.
Thị trường mới nổi, có ít thứ, thiếu nhiều thứ, đâu đâu cũng là cơ hội. Cơ hội tuy nhiều nhưng ảo, thực đan xen lẫn nhau. Chạy theo cơ hội vượt quá năng lực của mình, cơ hội chẳng khác nào ảo ảnh. Dựa vào thực lực bên trong, cơ hội nào nắm chắc cơ hội đó.
Năm 1967, sự hợp nhất của ba công ty đã đặt nền móng cho tập đoàn Nokia vững mạnh sau này. Đi từ sản xuất, Nokia nắm bắt cơ hội sản xuất nhiều thứ (giấy, bánh xe hơi, bánh xe đạp, giày dép, cáp, ti vi, điện tử tiêu dùng, máy tính cá nhân, hóa chất…). Đến đầu những năm 1990, nhìn thấy cơ hội rộng lớn trong ngành viễn thông, Nokia quyết định tập trung toàn lực đầu tư vào ngành này, chính thức chuyển từ dân sản xuất sang dân công nghệ cao.
Khi lựa chọn những cơ hội phù hợp với thực lực mình có tại từng thời điểm, từng bước tích lũy tiền bạc, kiến thức, Nokia đã nhanh chóng trở mình, chuyển từ lao động chân tay sang lao động trí óc, từ đơn giản sang phức tạp. Nokia hiện là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới, bán sản phẩm tại hơn 150 nước, tuyển dụng hơn 123.000 nhân viên.
Biến vòng thành thẳng
Ngày nào nền giáo dục trong nước chưa thật sự cất cánh, ngày đó năng suất lao động, năng suất cạnh tranh còn bị kìm hãm. Vì vậy phải dùng tài tạo thế. Khi hiểu người hiểu mình, doanh nghiệp có thể biến đường vòng thành đường thẳng, nhanh chóng tạo ra lợi thế cho riêng mình. Đó là phải biết rõ mình đang hiểu khách hàng đến mức nào, để từ đó biết mình cần làm gì để hiểu khách hàng tốt hơn. Một khi doanh nghiệp nắm rõ thực lực mình đang ở đâu, sẽ mau chóng nhận ra mình nên nắm bắt cơ hội nào.
Biết người biết ta, thắng mà không suy. Biết trời biết đất, thắng mà nguyên vẹn.
Gỡ bỏ tảng đá vướng dưới chân.

Không có người nào mạnh ở tất cả các mặt, cũng không có người nào yếu ở tất cả các mặt. Trong mỗi người, cái mạnh cái yếu đan xen lẫn nhau. Nhanh nhẹn giải quyết vấn đề mau lẹ, được lòng nhiều người. Nhưng nhanh mà ẩu trở thành hấp tấp, lỗ mãng, khiến người khác bất mãn.
Lớn mạnh hay suy yếu không do số phận an bài, mà do cách lựa chọn lợi thế tạo ra. Nhà lãnh đạo thành công là người biết tạo ra tình thế thuận lợi từ những gì mình có, chứ không than thân trách phận, đứng núi này trông núi nọ, tính toán luẩn quẩn, vụng chọn lợi thế, không tìm ra hướng đi.
Thành công ngoạn mục của Dilip Shanghvi, lãnh đạo hãng dược lớn nhất Ấn Độ (Sun Pharma), và Jack Ma, trùm công nghệ thông tin Trung Quốc (Alibaba.com và Taobao.com), là những ví dụ điển hình cho tình thế điểm yếu tuy nhiều, song có thể khiến điểm yếu không hại mình được.
Dilip Shanghvi là người sống khép kín. Ông hiếm khi tham dự các sự kiện xã hội, hội nghị. Ông thích những giây phút riêng tư (ngồi hàng giờ nghiên cứu tài liệu, làm việc say mê trong phòng thí nghiệm…). Ông không những nói ít mà còn nói rất chậm. Bạn bè nhận xét ông nói chuyện cứ như nhà khoa học. Khép kín, chậm chạp, ít nói… đây đều là những đòn chí mạng đối với người làm kinh doanh.
Khép kín tạo cảm giác xa cách. Ít nói tạo cảm giác lạnh lùng. Chậm chạp tạo cảm giác thiếu nhiệt tình. Với những yếu điểm đó, làm thế nào ông xây dựng hãng dược Sun Pharma từ con số 0 thành hãng dược lớn nhất Ấn Độ, còn ông trở thành người giàu thứ 14 của Ấn Độ với tài sản trị giá 4,1 tỉ đô la Mỹ?.
Dilip có đầy điểm yếu, nhưng bù lại ông rất kiên nhẫn lắng nghe. Khả năng lắng nghe từ người xung quanh, từ những tin tức trong ngành, đã giúp ông nhìn thấy điều mà đối thủ không thấy. Khi thấy được người dân Ấn Độ đang và sẽ bị những chứng bệnh gì trong tương lai, ông làm ra những loại thuốc chữa bệnh cho nhiều người nhất. Khi làm ra cái người ta cần (hay như câu nói ông yêu thích “biết cách lựa chọn cuộc chiến”), ông dễ dàng đánh bại các hãng dược đối thủ, thâu tóm thị phần trong tay.
Tướng mạo xấu xí, xuất thân là một giáo viên dạy tiếng Anh, tiền lương ba cọc ba đồng, thi trượt đại học ba lần, mù kiến thức công nghệ thông tin… cuộc đời của Jack Ma xem như bế tắc.
Điều gì đã giúp ông một tay gầy dựng Alibaba trở thành công ty Internet lớn thứ 5 trên thế giới, trong tay cai quản hơn 9.000 nhân viên, được 24 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc tin dùng (năm 2008)?.
Đẹp trai, giàu có, học rộng, lợi thế nhiều nhưng hiểm họa không kém. Phong độ mà vô tâm, giàu có mà tự mãn, học rộng mà không biết điều, khiến khách hàng càng ngày càng lánh xa.
Jack Ma xấu, nghèo, ít học, bất lợi đủ đường. Không đấu bằng sức được thì đấu bằng tâm. Khi đối đãi với khách hàng bằng sự chu đáo, nhẫn nại, ông đã nhẹ nhàng chuyển bại thành thắng. Khách hàng có thể chê ông xấu, nhưng khi ông đem đến cái lợi cho họ, giúp họ ăn nên làm ra (làm mọi cách để khách hàng có thể mua bán được qua mạng), thì khách hàng tận tâm với ông.
Lợi thế chọn đúng tạo ra cả gia tài. Nếu như lắng nghe đem đến cho Dilip Shanghvi sản nghiệp 4,1 tỉ đô la Mỹ, chu đáo đem đến cho Jack Ma gia tài tỉ đô, thì lợi thế của bạn là gì?.
Khéo chọn lợi thế, đường nào cũng là đường sống. Vụng chọn lợi thế, đâu đâu cũng là tử địa.


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét