Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Robin Li - Người hùng và tội đồ

Một mặt, Robin Li bị cáo buộc vi phạm đạo đức kinh doanh. Mặt khác, ông là một trong những doanh nhân thành công nhất Trung Quốc và có cả câu lạc bộ người hâm mộ. 



Robin Li, đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Baidu.

Chuyện các lãnh đạo doanh nghiệp được nhiều người ngưỡng mộ thì không lạ, nhưng có cả một câu lạc bộ người hâm mộ như Robin Li, Tổng Giám đốc Baidu, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm bằng tiếng Hoa lớn nhất Trung Quốc, thì khá hiếm. Điều này cho thấy Li có sức hút như thế nào đối với cư dân mạng. Đặc biệt, từ sau khi Google bị hất cẳng khỏi Trung Quốc, thị trường công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới (tính theo số người sử dụng), tiếng tăm của Li càng nổi như cồn.
Điều đáng nói, Li được xem là người đứng đằng sau những lục đục giữa Google và Chính phủ Trung Quốc, góp phần dẫn đến sự ra đi của công ty này. Giá cổ phiếu của Baidu đã tăng hơn 2 lần kể từ tháng 1.2010, khi Google cho biết các tin tặc Trung Quốc đang nhắm vào các tài khoản thư điện tử Gmail. Google cũng tuyên bố chuyển các yêu cầu tìm kiếm từ Trung Quốc sang trang web Google ở Hồng Kông để tránh hệ thống kiểm duyệt thông tin gắt gao của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực của Google đã thất bại và Tổng Giám đốc Google Eric Schmidt đã cay đắng thừa nhận: “Robin rất tinh ranh. Anh ta luôn lái cuộc chiến trở về Trung Quốc, nơi anh ta có ưu thế tuyệt đối”.
Hiện tại, Baidu đang độc chiếm thị trường tìm kiếm Trung Quốc với 73% thị phần và là công ty dịch vụ internet có mức vốn hóa lớn thứ 5 thế giới với 38,3 tỉ USD, sau Google, Amazon, Tencent (công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin qua điện thoại và game trực tuyến của Trung Quốc) và eBay.

Duyên nợ Google
Mối duyên giữa Baidu và Google bắt đầu vào năm 2004, khi công ty này đầu tư 5 triệu USD vào Baidu để thăm dò thị trường Trung Quốc. Nhưng ngay từ đầu cả 2 đã tỏ ra không tin tưởng nhau. Cuối năm đó, 2 nhà sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page ghé thăm văn phòng Baidu và đã để lại nhiều giai thoại thú vị. Brin và Page đã làm Li bẽ mặt khi từ chối ăn món sandwich Subway mà Công ty mời. Lý do là trước đó, họ đã bị bệnh do ăn thức ăn chưa được nấu kỹ tại Ấn Độ nên giờ phải ăn uống cẩn thận hơn. Nhận xét về logo của Baidu, Brin hồn nhiên hỏi Li có phải nó được cách điệu từ hình ảnh dấu chân… chó. Li tức tối đính chính đó là dấu chân gấu.
Về chuyện bại trận của Google, bỏ qua vai trò của Chính phủ Trung Quốc, Baidu cho rằng Google thua vì không hiểu thị trường bằng họ. Điều này được chứng minh bằng 11 đường dẫn trên trang web của Baidu đến các dịch vụ khác nhau như Baidu Knows (trang web hỏi đáp tương tự Yahoo! Answers), Baidu Post-Bar (trang web cung cấp các bảng xếp hạng nổi tiếng) và Baidu Encyclopedia (phiên bản Trung Quốc của Wikipedia).
Tuy nhiên, nếu xem tính khách quan là tiêu chuẩn bắt buộc của một hệ thống tìm kiếm thì đạo đức kinh doanh của Baidu bị đặt nhiều nghi vấn. Nhiều năm qua, trên các diễn đàn trực tuyến, một số công ty quảng cáo đã buộc tội Baidu âm thầm trừng phạt những hãng nào dám cắt giảm chi phí quảng cáo trên website này. Nhưng Li đã bác bỏ lời buộc tội trên.
Thực hư chưa biết ra sao thì năm 2008, Baidu lại bị cư dân mạng tố cáo là nhận tiền của Tam Lộc (hãng sữa sản xuất ra loại sữa bột nhiễm melamine gây ra cái chết của 6 trẻ em Trung Quốc và 54.000 người phải nhập viện), để chặn các thông tin về vụ sữa nhiễm độc khi người dùng internet gõ lệnh tìm kiếm. Li một lần nữa thanh minh rằng điều này là do chút sơ sót trong quá trình lọc thông tin.
Mối nghi ngờ về uy tín của Baidu chưa dừng ở đó. Li luôn khẳng định Baidu không làm giàu nhờ tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền. Thế nhưng, nhiều hãng ghi âm cho biết dịch vụ tải nhạc MP3 của Baidu cho phép người dùng internet tải miễn phí hầu như tất cả các bản nhạc mà họ phát hành. Năm 2005, một số hãng đĩa đã liên kết lại kiện Baidu, nhưng các quan tòa Trung Quốc đã đứng về phía Baidu và phán quyết rằng hãng này chỉ đơn thuần cung cấp cho người dùng những thông tin họ tìm kiếm bằng cách kết nối đến các trang web âm nhạc.
Baidu MP3 cũng là dịch vụ thành công nhất của Baidu khi chiếm đến 40% lượng truy cập vào website này tính đến năm 2005 (nay đã giảm xuống còn 5%). Đáp lại những cáo buộc vi phạm bản quyền khi cho người dùng tải miễn phí các bản nhạc MP3, Li nói rằng đó không phải là trách nhiệm của ông. “Nếu người dùng muốn tìm kiếm một thông tin hợp pháp, chúng tôi không thể từ chối họ chỉ để làm hài lòng các hãng đĩa”, ông nói.
Ngay cả với đồng minh mà Baidu hết sức o bế là Chính phủ Trung Quốc, Baidu cũng có lúc bị thất sủng. Tháng 11.2008, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng một số phóng sự điều tra xung quanh việc Baidu bị cáo buộc kiếm hàng triệu USD từ việc quảng cáo các loại dược phẩm không được cấp phép.

Mộng bành trướng
Bất chấp những điều tiếng trên, thế giới cũng phải công nhận tài năng của Li. Sau khi đối thủ Google bị loại khỏi Trung Quốc, Li đã có thể toàn tâm cho các dự án mới gồm mở rộng sang lĩnh vực trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, lập một website chia sẻ video giống như Hulu.com có tên là Qiyi và đưa thương hiệu Baidu ra thế giới. “Tôi hy vọng 10 năm nữa 50% gia đình trên thế giới sẽ thường xuyên nhắc đến cái tên Baidu”, Li nói.
Tuy nhiên, trước khi bành trướng ra thế giới, Baidu sẽ phải lấy được lòng tin của người tiêu dùng, điều mà Google đã làm rất tốt. Và một thứ vũ khí có thể giúp Baidu lấy lại hình ảnh trước công chúng có lẽ là ông chủ của nó, Robin Li.
Khi còn làm việc tại Thung lũng Silicon vào những năm 1990, Li đã rất kỳ vọng vào công cụ tìm kiếm qua internet. Năm 1996, ông được trao bằng sáng chế cho một công trình được gọi là hệ thống phân tích các kết nối internet, xếp hạng số lượng đường dẫn đến một website (năm 1996). Vì muốn xây dựng một công cụ tìm kiếm cho thị trường quê nhà, Li và người đồng hương Eric Xu quyết định quay trở về Bắc Kinh bắt tay vào công việc kinh doanh và sau đó khai sinh ra Baidu.
Đến nay, trong lúc các bạn bè đồng môn của Li ở Thung lũng Silicon vẫn cặm cụi kiếm khoảng 45.000 USD/năm thì Li đã là người giàu thứ 2 Trung Quốc với giá trị tài sản lên tới 7,2 tỉ USD. Những câu chuyện về sự tận tâm với Baidu của Li như công việc đã khiến ông nhiều đêm thức trắng như thế nào, hay ông đã nằm ngủ ngay trên vô-lăng vì không còn đủ sức bước vào nhà, cũng lan truyền rất rộng trong công chúng. Baidu càng hấp dẫn các cổ đông khi Li chưa từng bán ra một cổ phiếu nào của Công ty.
Cổ đông của Baidu ở Mỹ thậm chí còn ngưỡng mộ Li hơn cả các nhà đầu tư ở quê nhà. “Li có mọi tố chất của một nhà kinh doanh giỏi”, Hugo Shong, sáng lập viên của Quỹ Đầu tư IDG Capital Partners, nói. Quỹ này đã đầu tư 1,5 triệu USD vào Baidu năm 2000 và 5 năm sau đó, khoản đầu tư đạt trị giá đến 170 triệu USD, khi Baidu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Chỉ trong ngày đầu tiên niêm yết trên Sàn Chứng khoán Nasdaq ở Mỹ (5.8.2005), cổ phiếu của Baidu đã tăng từ 27 USD/cổ phiếu lên 122 USD/cổ phiếu, đưa giá trị thị trường của Baidu lên mức 4 tỉ USD và biến Li trở thành tỉ phú đô-la đầu tiên trong lĩnh vực trực tuyến của Trung Quốc.
Sau sự rút lui của Google, Baidu giờ chỉ còn 2 đối thủ là Alibaba và Tencent trong cuộc cạnh tranh giành ngôi vị công ty internet lớn nhất Trung Quốc. Alibaba, website thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới, đã chặn hệ thống tìm kiếm của Baidu khỏi các trang catalogue sản phẩm được rao bán trên trang này và đang tự thiết kế một hệ thống tìm kiếm riêng chuyên phục vụ cho việc mua hàng qua mạng. Tencent cũng xây dựng một công cụ tìm kiếm riêng có tên Soso.com. Cuộc chiến này nóng trên cả các mặt báo khi người phát ngôn của Tencent đặt cho Baidu biệt danh “những tên lưu manh”, trong lúc Baidu gọi Tencent là “thứ con hoang lắm điều”.



Sách DOANH TRÍ’s Blog
 (Theo BusinessWeek/NCĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét