Quá trình khởi sự kinh doanh của bạn bắt đầu từ lúc có một ý tưởng lóe lên và có thể tạm gọi là kết thúc khi công ty bạn đã đi vào hoạt động ổn định. Thời gian này có thể chỉ kéo dài vài tháng, có khi lại buộc bạn phải xoay xở hàng năm trời.
PHẦN 2: TÊN VÀ CẤU TRÚC CÔNG TY
11 - 15: Lựa chọn một cái tên
Mọi công ty đều cần đến một cái tên và việc sở hữu một cái tên đáng nhớ và độc đáo chính là nội dung của phần này. Sẽ phải mất hàng ngàn USD, nếu bạn thuê một công ty chuyên về xây dựng nhãn hiệu hay một hãng quảng cáo, song các bạn cũng có thể tự mình đặt tên công ty - nếu bạn biết cách thức thực hiện công việc này. Hãy bắt đầu với chiếc bút bi, một vài tờ giấy và đôi tai nhạy cảm lắng nghe mọi tiếng động đang xảy ra quanh mình.
11. Suy nghĩ về thị trường
Trước tiên, bạn hãy quyết định phương thức quảng cáo có thể giới thiệu 90% các hoạt động kinh doanh của bạn. Bạn sẽ trông cậy chủ yếu vào các quảng cáo in, bảng hiệu tại địa điểm kinh doanh, quảng cáo truyền miệng, Interrnet, trang vàng, đài phát thanh hay kết hợp một lúc nhiều phương tiện?. Bạn nên lưu ý rằng sự lặp lại thái quá, các từ ngữ nước ngoài và tên miền với dấu cách luôn là yếu tố “kết liễu” các quảng cáo phát thanh và website, nơi mà yếu tố đánh vần và phát âm dễ dàng là vô cùng quan trọng. Nếu bạn quyết định quảng cáo trên trang vàng, một thủ thuật truyền thống là hãy lựa chọn tên công ty bắt đầu bằng vần A, B hay C để quảng cáo của bạn luôn được đặt ngay tại những trang đầu tiên. Tuy nhiên, không phải những cái tên như Aardvark hay Abba có thể phù hợp với bất cứ công ty nào, vì vậy bạn cần có đôi chút sáng tạo ở đây.
12. Xem xét các đối thủ cạnh tranh
Bạn cần thu thập tên của tất cả các đối thủ cạnh tranh để tìm ra những điều có thể làm nên sự khác biệt cho tên của công ty bạn. Tên của các đối thủ cạnh tranh có thực sự phù hợp với thị trường mục tiêu? Liệu những tên đó có quá nghiêm túc, trong khi khách hàng lại thuộc tuýp người sành điệu, tân thời? Câu trả lời sẽ cho bạn biết yếu tố nào không hiệu quả, qua đó giúp bạn thu hẹp danh sách những cái tên dự kiến.
13. Huy động ý kiến của mọi người
Hãy đón nhận mọi ý kiến đóng góp về tên công ty bạn. Hãy hỏi tại sao họ thích cái tên này hay tên khác. Bạn cũng nên xem xét một số thuật ngữ thông dụng có thể thu hút các khách hàng tiềm năng, hay thể hiện kết quả mà khách hàng mong muốn từ việc sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn (nhưng chưa được đối thủ cạnh tranh sử dụng). Ví dụ, Namedatlast.com được chọn để đặt cho một công ty dịch vụ đặt tên doanh nghiệp. Tuy vậy trên thực tế không nhiều công ty sử dụng những cái tên kiểu này, mà họ muốn hướng tới sự nổi bật.
14. Kiểm tra ý nghĩa của tên công ty
Những cái tên như Cobweb Design, Goosechase và Wild Weasel, nghe có vẻ rất thông minh, nhưng chúng có thể khiến khách hàng tiềm năng cảm thấy không chắc chắn về sản phẩm/dịch vụ. Hãy kiểm tra kỹ lưỡng mọi cái tên trong danh sách các tên công ty dự định của bạn để đảm bảo rằng không cái tên nào mang ý nghĩa tiêu cực. Đồng thời bạn nên hỏi bạn bè và người thân xem các từ ngữ này có gợi cho họ cảm giác xấu nào không. Hãy loại bỏ những cái tên không thích hợp ra khỏi danh sách của bạn. Nếu bạn đang xây dựng một website và muốn để cái tên công ty vươn tới toàn cầu, thì đừng vì sự bất cẩn mà làm tổn thương đất nước bạn.
15. Kiểm tra các nhãn hiệu đã được đăng ký
Không ít chủ doanh nghiệp đặt tên công ty và đưa chúng ra thị trường, nhưng rồi một lúc nào đó họ bị buộc phải huỷ bỏ cái tên này bởi trước đó có một nhãn hiệu cùng tên đã đăng ký bảo hộ. Do đó trước khi bạn đặt tên công ty, thiết kế biểu tượng, hãy đảm bảo rằng chúng không bị trùng lắp với những cái tên và biểu tượng đã được đăng ký. Bạn hoàn toàn có thể tránh được những khó khăn pháp lý bằng việc ghé thăm trang web của Cục nhãn hiệu và sáng chế Mỹ tại www.uspto.gov, nơi mà bạn có thể tìm kiếm các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, hoặc ghé thăm trang www.yudkin.com để có thêm các lời khuyên về việc đặt tên công ty.
16 - 19: Cấu trúc công ty
Bạn nên khởi đầu quy trình lựa chọn cấu trúc pháp lý cho công ty bằng việc tự hỏi bản thân xem đâu là khung pháp lý mà bạn muốn thiết lập và tuân theo. Có người nói là đến Delaware hay Nevada để lập công ty, nhưng câu trả lời thích hợp nhất cho các công ty nhỏ là: “Hãy ở ngay tại nhà”. Việc thành lập công ty và tuân theo các quy định pháp luật của một số địa phương có tiếng là thuận tiện cho kinh doanh có thể có ý nghĩa đối với các công ty có nhiều nhà đầu tư, nhưng bạn sẽ có thể kiểm soát công ty mình dễ dàng và đơn giản hơn, nếu tuân theo khung pháp lý kinh doanh ngay tại nơi bạn đặt trụ sở chính.
16. Quan tâm tới mong muốn của bản thân bạn
Mỗi một mô hình kinh doanh đều có các quyền hạn và trách nhiệm pháp lý mang tính đặc thù riêng, chẳng hạn trách nhiệm pháp lý của một công ty cổ phần sẽ khác hoàn toàn so với trách nhiệm pháp lý của một công ty trách nhiệm hữu hạn, đồng thời các quy định pháp luật bảo vệ hoạt động kinh doanh của hai loại hình công ty này cũng không giống nhau. Nhưng không có một loại hình công ty nào giúp bạn tránh khỏi những trách nhiệm pháp lý cá nhân. Loại hình công ty mà bạn lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm của bạn trong các hoạt động liên quan tới nhân viên, đối tác và nhà thầu. Không có tấm lá chắn nào bảo vệ cho các quyền sở hữu tư nhân. Một mô hình công ty liên doanh sẽ bắt buộc bạn phải chịu trách nhiệm không chỉ cho những hành động sai trái của bản thân bạn, mà còn cho những hành động sai trái của các đối tác liên doanh. Còn nếu bạn không có nhân viên, nhà thầu hay đối tác, thì mô hình công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn sẽ không đem lại nhiều ích lợi về mặt trách nhiệm pháp lý.
17. Chú ý tới khả năng tiếp cận nguồn vốn
Trên cương vị một chủ sở hữu kinh doanh độc nhất, đi vay là cách thức duy nhất để bạn huy động vốn phục vụ kinh doanh. Trong khi đó, mô hình cộng tác kinh doanh sẽ cho phép bạn nhận tiền đầu tư hay yêu cầu các đối tác cung cấp vốn. Mô hình công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn sẽ linh hoạt hơn trong việc huy động vốn đầu tư bổ sung, ví dụ, bạn có thể bán chứng khoán ra bên ngoài để huy động đủ lượng vốn cần thiết.
18. Nghĩ về sức chịu đựng của bạn đối với các công việc giấy tờ
Cấu trúc kinh doanh một chủ sở hữu độc nhất luôn đơn giản, nhẹ nhàng và hầu như không bị điều chỉnh bởi bất cứ quy định pháp lý bắt buộc nào. Chỉ có giấy phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề là những trở ngại mà các chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân gặp phải khi tiến hành kinh doanh. Các yêu cầu, quy định, thủ tục pháp lý bắt buộc của địa phương, của quốc gia sẽ gia tăng đáng kể nếu bạn lựa chọn cấu trúc pháp lý công ty liên doanh, cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn.
19. Nắm vững các quy định về thuế có liên quan
Cho dù bạn chọn lựa cấu trúc pháp lý kinh doanh nào, bạn đều có trách nhiệm đóng thuế cho các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Điểm khác biệt là bạn phải đóng thuế ở mức nào và được khấu trừ bao nhiêu thuế tuỳ theo mô hình công ty. Việc đóng thuế và các trách nhiệm pháp lý liên quan tại công ty cổ phần là hoàn toàn khác biệt so với công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, các quy định về khấu trừ thuế và hoá đơn thuế cũng có những quy định khác nhau. Do vậy, bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về thuế, xác định trách nhiệm nộp thuế cùng các quyền lợi được hưởng sao cho phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của bạn.
Nếu bạn không khẳng định được đâu là cấu trúc pháp lý thích hợp với hoạt động kinh doanh của mình, bạn có thể tư vấn với các luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vừa và nhỏ.
(Còn tiếp)
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Entrepreneur)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét