Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt: Thử một lần cho “trứng chọi đá”

Vui vẻ, năng động là những phẩm chất tạo ấn tượng tốt đẹp với người của ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - doanh nghiệp đầu tiên được thành phố cấp phép kinh doanh trứng gia cầm sau trận “đại dịch cúm” năm 2003. Có lẽ chính nhờ sự năng động, nhiệt huyết ấy mà ông đã tìm thấy cơ hội phát triển ngay trong thời điểm khó khăn nhất của ngành kinh doanh nhiều bấp bênh này.
Duyên nợ
* Nghe nói trước đây ông học tài chính, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề kinh doanh trứng?



- Kinh doanh trứng không phải là nghề cha truyền con nối mà chỉ là kế sinh nhai của anh trai tôi ở quê hương Sóc Trăng. Chưa làm qua công việc này bao giờ nhưng mấy năm học Đại học Tài chính - Kế toán tại TP.HCM tôi có nhiều thời gian trống nên muốn tìm việc làm để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập. Thế là tôi bàn với anh trai đưa trứng gia cầm từ quê lên thành phố bỏ mối.
Thời đó, trứng gà, trứng vịt không đóng hộp như bây giờ mà để trong cần xé. Mỗi ngày, anh tôi gửi mấy cần xé trứng theo xe đò lên cho tôi. Sau khi tan trường, tôi chạy ra bến xe miền Tây lấy hàng đi bỏ mối.
Những lúc rảnh lại đạp xe đi tìm thêm mối mới. Ngày xưa, khu vực Xóm Củi ở đường Bến Bình Đông (Q.8) là khu kinh doanh trứng mạnh nhất, nên hầu như ngày nào tôi cũng có mặt ở khu vực này.
Tôi có ưu thế là mua được trứng tận gốc nên giá tốt hơn so với các vựa ở đây. Hàng mình có giá thấp, lên thành phố lại thương lượng được với các vựa nên việc kinh doanh rất thuận lợi.
Vào năm cuối đại học, mỗi ngày tôi bán đến 20 - 30 cần xé (khoảng 20.000 - 30.000 trứng). Vừa học vừa kinh doanh như vậy mà năm nào tôi cũng được học bổng.

Thời đó, trứng gà, trứng vịt không đóng hộp như bây giờ mà để trong cần xé. Mỗi ngày, anh tôi gửi mấy cần xé trứng theo xe đò lên cho tôi. Sau khi tan trường, tôi chạy ra bến xe miền Tây lấy hàng đi bỏ mối. Những lúc rảnh lại đạp xe đi tìm thêm mối mới.
Tốt nghiệp đại học, tôi đi làm kế toán cho một công ty nhà nước. Làm được một thời gian, không thấy hướng phát triển nên tôi mạnh dạn “rũ bỏ” công sức bốn năm đèn sách để làm cái nghề mà mọi người cho rằng không cần học nhiều cũng làm được: bán trứng gia cầm.
Đầu năm 1995, tôi chính thức bước vào nghề kinh doanh trứng ở TP.HCM bằng một vựa trứng mang tên Vĩnh Thành trên đường Phú Hữu (Q.5).
Có mặt bằng, tôi không bỏ mối cho các vựa nữa mà đưa hàng đến các chợ bán lẻ. Với kinh nghiệm từ những năm còn học đại học, tôi mở rộng mạng lưới phân phối đến khắp các chợ bán lẻ ở TP.HCM. Nhờ có giá tốt nên mỗi ngày chúng tôi đưa ra thị trường mấy trăm ngàn quả trứng gà, vịt.
Việc kinh doanh cứ thế tiến triển, tôi kiếm đủ tiền mua mấy căn nhà cùng lúc, không còn phải thuê nhà, thuê mặt bằng. Và cứ thế, các cửa hàng Vĩnh Thành ngày một nhân rộng ra thêm.
Năm 2003, công việc kinh doanh đang thuận lợi thì dịch cúm gia cầm xảy ra, Chính phủ buộc phải ra quyết định tạm thời cấm kinh doanh trứng và thịt gia cầm dưới mọi hình thức. Cũng như những cơ sở kinh doanh trứng gia cầm khác, Vĩnh Thành phải đóng cửa.
* Bị cấm kinh doanh, chẳng lẽ ông chịu thất nghiệp?
- Đã làm kinh doanh thì không ai ngồi yên “chịu trận” như thế cả. Để mặt bằng trống uổng quá, tôi xoay qua kinh doanh điện thoại di động để chờ cơ hội mới. Siêu thị điện thoại di động Nhịp Sống Số của chúng tôi vừa thành lập đã được Nokia chọn làm điểm triển khai cửa hàng trưng bày của họ tại Việt Nam.
Từ một điểm đầu tiên trên đường Hồng Bàng, tôi mở thêm bốn cửa hàng nữa trong các siêu thị Co.opMart và Big C. Chuỗi cửa hàng này vẫn phát triển tốt cho đến ngày nay. Và hiện tại, siêu thị điện thoại di động Nhịp Sống Số trên đường Hồng Bàng đang được chọn để triển khai thí điểm mô hình cửa hàng GR 60 của Nokia.
Cơ hội mới
* Trận đại dịch cúm 2003 đã khiến các cơ sở chăn nuôi và kinh doanh trứng và thịt gia cầm lao đao, nhiều chủ cơ sở bị phá sản, nhưng nghe nói, đây lại là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Thành Đạt phát triển?
- Cũng có thể nói như vậy. Trận dịch diễn ra gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi và cả những cơ sở kinh doanh như chúng tôi. Tuy nhiên, cũng từ khó khăn này tôi tìm được một cơ hội khác, cơ hội để có Vĩnh Thành Đạt như ngày nay.
Trong thời gian Nhà nước cấm bán thịt và trứng gia cầm, dù đã đầu tư kinh doanh điện thoại, nhưng chúng tôi vẫn luôn nghe ngóng thông tin từ các cơ quan chức năng thuộc ngành này. Nhận được thông tin, nếu cơ sở nào tuân thủ các quy định của thú y sẽ được phép kinh doanh trở lại, tôi liền qua Chi cục Thú y tìm hiểu.

Một quả trứng chuyển từ trại về nhà xưởng bị kiểm soát còn gắt gao hơn chai rượu hay gói thuốc lá từ nước ngoài nhập về. Trong khi chai rượu ngoại nhập về Việt Nam chỉ cần dán tem là xong, thì trứng gia cầm ngoài dán tem còn phải niêm phong thùng xe, trình phiếu kiểm dịch ở tất cả các trạm thú y mà xe chở trứng đi qua.
Là người đầu tiên tìm hiểu vấn đề này nên tôi được giúp đỡ nhiệt tình. Ngay sau đó, chúng tôi thành lập Công ty Vĩnh Thành Đạt với quy trình sản xuất mới và cung cấp trứng sạch ra thị trường. Trứng gia cầm mang thương hiệu V.Food của Vĩnh Thành Đạt được xử lý theo quy trình khép kín của thú y và y tế, như sục ozone, lau sạch, khử trùng, đóng gói...
Không những thế, trứng do chúng tôi phân phối đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc, do các trại nuôi theo quy trình trại an toàn cung cấp. Với quy trình mới này, năm 2003, Vĩnh Thành Đạt trở thành công ty đầu tiên tại TP.HCM được cấp giấy phép kinh doanh trứng gia cầm.
Cũng trong năm này, Vĩnh Thành Đạt trở thành nhà cung cấp độc quyền trứng cho hệ thống các siêu thị. Nếu như thời gian đầu doanh số bán hàng của chúng tôi giảm đến 80% so với thời gian trước khi dịch xảy ra, thì chỉ khoảng nửa năm sau đã tăng trở lại như cũ. Và đến gần một năm sau, Vĩnh Thành Đạt mới có những đối thủ cạnh tranh khác trong hệ thống các siêu thị.
Hiện nay, song song với quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế, thú y, chúng tôi cũng triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, ISO 9001...
Năm 2010 chúng tôi đã nhập một dây chuyền xử lý trứng hiện đại của Hà Lan. Sau đó là xây dựng lại nhà xưởng, đào tạo lại nhân viên. Tổng mức đầu tư trong năm 2010 lên đến hơn 15 tỷ đồng.
 Với quy trình sản xuất mới, ông đảm bảo trứng V.Food của Vĩnh Thành Đạt “sạch” đến độ nào?
- Hệ thống xử lý trứng của Tập đoàn Moba (các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm khác cũng nhập dây chuyền xử lý trứng của tập đoàn này) diệt vi khuẩn rất tốt. Tập đoàn Moba cam kết, sản phẩm sẽ được diệt khuẩn đến 99,99% ngay khi ra khỏi dây chuyền.
Để tiếp tục giữ cho “trứng sạch”, chúng tôi triển khai thêm hệ thống quản lý chất lượng HACCP. Quy trình này đòi hỏi rất nghiêm ngặt ở tất cả các khâu, từ sản xuất cho đến khi sản phẩm được lưu hành trên thị trường.
Nếu có dây chuyền xử lý tốt nhưng những công đoạn sau không đảm bảo thì sản phẩm sẽ bị nhiễm chéo. Tích cực đầu tư như thế nên tôi đảm bảo sản phẩm V.Food của Vĩnh Thành Đạt sẽ không nhiễm vi sinh.
* Trước đây có thông tin cho rằng sản phẩm V.Food không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn được bán trong các siêu thị, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Dù sản xuất trên dây chuyền bán tự động hay tự động, chúng tôi đều tuân thủ các quy định của ngành thú y và y tế. Chúng tôi thường xuyên lấy mẫu sản phẩm đem đi kiểm nghiệm và ngay cả các siêu thị bán sản phẩm của chúng tôi cũng làm thế.
Nếu nói không đạt chất lượng, không đảm bảo vệ sinh là nhận xét cảm quan, vì từ trước tới giờ chúng tôi chưa nhận được bất cứ phàn nàn nào từ phía siêu thị cũng như các cơ quan quản lý. Thậm chí, từ khi thành lập đến nay chúng tôi chưa hề bị khiếu nại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu sản phẩm của chúng tôi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng thì Co.opMart, Big C và Lotte Mart đã không chọn làm đối tác để sản xuất hàng nhãn riêng cho họ. Không những thế, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trong thành phố cũng mua hàng của chúng tôi với số lượng không nhỏ.
Bốn năm nay chúng tôi được UBND TP.HCM chọn để thực hiện chương trình bình ổn giá của thành phố và Vĩnh Thành Đạt là một trong hai doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm được tham gia chương trình này.
Hiện nay hàng của chúng tôi đã phủ kín 100% hệ thống các siêu thị từ miền Trung trở vào, kể cả những siêu thị nhỏ nằm trong các trung tâm thương mại như Diamond, Parkson.
Đường thẳng cứ đi
* Kinh doanh trong lĩnh vực nhiều khó khăn này, ông có nghĩ mình sẽ theo nghề đến cùng không?
- Thực ra, khi thành lập công ty, tôi đã xây dựng chiến lược lâu dài, nhưng có theo nghề đến cùng hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Nếu tôi không điều hành thì cũng có người khác đảm đương thay vì Công ty đã có chiến lược rõ ràng ngay từ ban đầu.
Mục đích của chúng tôi là không chỉ trở thành một trong những thương hiệu đứng đầu trong việc phân phối trứng gia cầm, mà còn mang đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người dân.
Nhìn vào nghề này người ta tưởng đơn giản, nhưng thật ra không dễ chút nào. Trứng gia cầm cũng là mặt hàng tươi sống nên rất khó bảo quản. Hơn nữa, đây là nghề kinh doanh có điều kiện nên các cơ quan chức năng kiểm tra rất gắt gao. Một quả trứng chuyển từ trại về nhà xưởng bị kiểm soát còn gắt gao hơn chai rượu hay gói thuốc lá từ nước ngoài nhập về.
Trong khi chai rượu ngoại nhập về Việt Nam chỉ cần dán tem là xong, thì trứng gia cầm ngoài dán tem còn phải niêm phong thùng xe, trình phiếu kiểm dịch ở tất cả các trạm thú y mà xe chở trứng đi qua.
Hơn nữa, xe chở trứng phải là xe chuyên dùng (có thùng kín để xông phoọc-môn, thuốc tím khử trùng tại trại).
* Có phải vì khó như vậy nên ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng đang bị đánh giá là rất bấp bênh?
- Ngành chăn nuôi của ta đang có vấn đề. Cũng giống như cây điều, cây tiêu, người ta làm theo phong trào và làm một cách tự phát. Khi heo, gà có giá, người ta rủ nhau chăn nuôi, nhưng khi rớt giá thì cùng nhau phá chuồng. Đó là một trong những lý do khiến người chăn nuôi đã lỗ càng lỗ hơn.
Trong khi đó, nhìn thấy tiềm năng của thị trường, các tập đoàn nước ngoài vẫn liên tục đầu tư vào ngành chăn nuôi.
Hiện nay, sức tiêu thụ trứng gia cầm của Việt Nam bình quân khoảng 45 quả/người/năm. Con số này còn khá khiêm tốn so với các nước khác trên thế giới.
Trong khi các nước gần với Việt Nam như Trung Quốc, Malaysia..., bình quân mỗi năm người dân nước họ dùng trên 300 quả trứng. Có lẽ do người Việt Nam quan niệm sai lầm rằng ăn trứng nhiều sẽ bị bệnh gan, nhưng hiện nay y học chưa chứng minh điều này.
Với dân số hơn 86 triệu người, chỉ cần mỗi người ăn thêm 15 quả trứng/năm thì số lượng trứng gia cầm được tiêu thụ sẽ tăng lên đáng kể và nhờ vậy ngành chăn nuôi cũng sẽ phát triển.
“Fan” trung thành
* Là người phân phối trứng, vậy gia đình ông có thường ăn trứng không?
- Ăn nhiều là đằng khác. Gia đình tôi vốn gốc Hoa nên có thói quen ăn cháo trắng với trứng vịt muối mỗi sáng. Hôm nào không được ăn món này là cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì đó.

Hiện tại tôi đang làm một “bộ sưu tập” với 200 món ăn có nguyên liệu là trứng. Sắp tới tôi sẽ tập hợp những món ăn đã sưu tập được rồi in thành catalogue giới thiệu đến các bà nội trợ.
Không chỉ ăn món có trứng vào buổi sáng, hầu như các bữa ăn của gia đình tôi đều có một vài món chế biến từ trứng. Và có thể nói, mỗi người trong gia đình tôi dùng không dưới 400 quả trứng/năm.
Hiện tại tôi đang làm một “bộ sưu tập” với 200 món ăn có nguyên liệu là trứng. Đi đến nước nào tôi cũng sưu tầm những món ăn chế biến từ trứng của nước đó.
Ví dụ như ở Malaysia có món trứng trộn thịt chưng cách thủy, Trung Quốc có món trứng tiềm thuốc bắc... Trong các loại thực phẩm, trứng là mặt hàng rẻ tiền nhất, dễ ăn nhất, đặc biệt là đối với trẻ em.
Chế biến món ăn từ trứng dễ lắm, chỉ cần được hướng dẫn là ai cũng làm được. Sắp tới tôi sẽ tập hợp những món ăn đã sưu tập được rồi in thành catalogue giới thiệu đến các bà nội trợ. Và có thể bảng hướng dẫn chế biến các món ăn từ trứng này sẽ được bỏ vào trong những vỉ trứng như món quà tặng khách hàng.
* Nghe nói không chỉ sưu tập những món ăn chế biến từ trứng, ông còn đang hợp tác với các trại để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác?
- Bên cạnh kinh doanh trứng gà, trứng vịt, trứng cút, chúng tôi còn liên kết với các trại để cung cấp trứng gà ta và trứng gà ác. Gọi là gà ta nhưng không thể nuôi theo kiểu thả rông như gà ta ở quê. Giống là giống gà ta nhưng nuôi ở trang trại với thức ăn riêng.
Tuy không ngon như trứng gà ta nuôi thả rông, nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng lại cao hơn nhiều. Trong giai đoạn này, để đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh thì không còn cách nào khác là nuôi trong trang trại.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.


Sách DOANH TRÍ’s Blog
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét