Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Mở web và giấc mơ tỉ phú




Nếu biết cách tổ chức và khai thác kinh doanh, có thể sống được nhờ vào web. Có người đạt được giấc mơ trở thành tỉ phú.


Vạn nẻo đường kiếm bạc cắc
Gọi là “bạc cắc” nhưng doanh thu của diễn đàn lamchame.com năm 2010, theo một nguồn tin riêng, cả tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí mỗi năm vài trăm triệu, tính ra phần “lương” còn lại của ban quản trị (là hai vợ chồng) không phải là thấp. Còn hatmethi.vn vừa hoạt động cách đây hai tháng nhưng theo một thành viên trong ban quản trị, mỗi tháng họ bán được ba tấn hạt methi, trừ đi chi phí duy trì hệ thống và nhân viên giao hàng, còn “chút lời nho nhỏ”.
Bắt đầu đăng ký bán hàng trên một diễn đàn, sau đó mở web để giới thiệu sản phẩm riêng là cách làm của website thangbesport.com. Chủ website này tiếp tục mở cửa hàng thực tế bên cạnh việc bán hàng qua mạng. Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, giám đốc công ty thời trang thể thao Hoàng Gia (chủ website thangbesport.com), cao điểm có ngày nhận được 150 đơn hàng, chủ yếu tại TP.HCM, khoảng 30% từ các tỉnh. Không tiết lộ lợi nhuận nhưng theo ông Hoàng, hiệu quả từ website là cơ sở tài chính quan trọng để duy trì hoạt động của công ty.
Danong.com chuyên bán các sản phẩm mãn dục dành cho nam giới cũng được nhiều khách hàng biết đến. “Có lần đến các hiệu thuốc mua sản phẩm mãn dục dành cho nam giới nhưng nhân viên bán hàng ánh mắt không thiện cảm, cũng như tâm lý muốn giữ “bí mật cõi riêng” nên tôi tìm mua sản phẩm từ website trên”, một khách hàng đang là thành viên thường xuyên của website này tiết lộ.
Một mảng hẹp nhưng cũng có một số đơn vị sống được là kinh doanh sách. Phân khúc này hiện khá sôi động với vinabook.com, minhkhai.com.vn, saharavn.com, sách kinh tế (nhasachkinhte.vn), sách ngoại văn (www.tiki.vn), sachhay.com, davibooks.vn… Sách được xem là một trong những sản phẩm cơ bản cho loại hình thương mại điện tử. Các website đã học hỏi từ sự thành công của Amazon và khai thác tốt ở thị trường trong nước.

Đến tiền tỉ
Năm 2001, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Bạch Thành Trung đã lập diễn đàn về máy tính Vietnam Overclockers Zone (VOZ). Ban quản trị diễn đàn lúc đó gồm Trung và một người bạn, vừa đi học vừa đi làm nuôi diễn đàn với chi phí 5 triệu đồng mỗi tháng. Vì không nhận quảng cáo hoặc tài trợ nào nên năm 2005 VOZ phải đóng cửa, mặc dù đã có khoảng 300.000 thành viên. Năm 2006, Trung thay đổi chiến lược và tái xuất giang hồ với nguồn tài trợ hàng tháng 3 triệu đồng từ công ty Mai Hoàng được đổi bằng banner quảng cáo. Đến nay thì nguồn thu của VOZ đủ để hoạt động và đầu tư mở rộng hệ thống. Theo lời Trung, đã có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề mua lại hoặc góp vốn nhưng số tiền chưa đủ lớn để chấp nhận. “Nhưng điều quan trọng hơn, khi không còn của riêng mình, VOZ sẽ không còn được cộng đồng chấp nhận”, Trung tự tin nói.
Năm 2004, thegioididong.com.vn còn là một trang web giới thiệu sản phẩm, nhưng từ năm 2009 doanh số bán hàng tăng nhanh, hiện 30 tỉ đồng/tháng, chiếm 10% doanh thu toàn hệ thống bán lẻ này. Theo ông Đinh Anh Huân, phó tổng giám đốc của Thế giới Di động: “Khó tính lợi nhuận của website trong tổng thể kinh doanh nhưng giá trị không nhỏ, bên cạnh việc góp phần đem lại lợi nhuận cho công ty thì vai trò quảng bá thương hiệu là rất lớn”.
Zing.vn của Vinagame (VNG) được thiết kế theo mô hình cổng thông tin điện tử, tích hợp nhiều dịch vụ: xã hội (ZingMe), thông tin (ZingNews), dịch vụ (ZingDeal), mua bán hàng qua mạng (123mua), âm nhạc (ZingMP3)… Hiện cổng Zing.vn có khoảng 5 triệu thành viên. Ông Hoàng Tuấn Anh, phó tổng giám đốc VNG xác nhận: “Doanh thu từ Zing.vn chưa cao vì vẫn còn trong quá trình đầu tư để thu hút cộng đồng”. Gọi là chưa cao so với tổng doanh thu trong hệ thống nhưng vài năm gần đây, doanh thu của Zing.vn đạt khoảng vài chục tỉ đồng.



Mở lối đi
“Nếu mở web mà có cách kinh doanh riêng, nhắm đến đối tượng riêng, cách tiếp thị lạ và hấp dẫn… sẽ sống được”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng đại diện phía nam của hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định. Bà Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên trưởng đại diện của Yahoo tại Việt Nam cũng cho rằng: “Thị trường còn rộng đất để cho web phát triển, vấn đề quan trọng là xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh như thế nào”.
Ông Nguyễn Hùng, cố vấn cho nhiều dự án web nói: “90% trang thông tin điện tử hiện chưa thể tự sống mà phải nhờ vào nguồn tiền từ các chủ đầu tư. Có xu hướng quảng bá trên mạng nhưng số tiền còn quá nhỏ, ước chừng khoảng 5% trong tổng kinh phí quảng cáo của các doanh nghiệp hiện nay”. Ông Lê Khắc Định (Yahoo Việt Nam) nhận xét: mô hình diễn đàn dễ sống hơn vì chi phí đầu tư không cao, trong khi đó tính tương tác của diễn đàn cao hơn của website. Cũng theo ông Định, nếu muốn đầu tư vào website, không nên đầu tư vào các trang tin tức mà nên chuyển hướng sang các web dịch vụ.
Trong khi các trang thông tin điện tử đang “vật vờ”, thì theo ông Dũng, những website đi vào phân khúc riêng với sản phẩm đặc thù sống được như: benhcum.com, benhkhop.com, danong.com, hervietnam.com, webtretho.com, autosaigon.com, autofun.net, hihihehe.com, VOZ.com, tinhte.com… Ban đầu, chỉ là những trang cung cấp thông tin về bệnh, chia sẻ cách nuôi dạy con của những khách hàng cùng chung đam mê nào đó. Khi thành viên ngày càng đông, nguồn thu từ bán sản phẩm, quảng cáo (hình ảnh, bài viết, đánh giá sản phẩm…) tăng lên. “Một khoản thu khá lớn của nhiều diễn đàn, trang thông tin chuyên ngành là từ các chiến dịch truyền thông sản phẩm cho các hãng sản xuất”, ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, giám đốc công ty Emerald cho biết


 Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét