Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Digiworld và phong cách quản trị của “1 ông, 2 bà”

Dù kinh doanh bán lẻ các sản phẩm công nghệ cao đang nóng nhưng ông chủ Đoàn Hồng Việt của Digiworld lại trung thành với mô hình bán sỉ.
Đến lúc này, Đoàn Hồng Việt cùng 2 người phụ nữ của ông (một là bạn, một là vợ), với tổng sở hữu 80% cổ phần trong Công ty Digworld, đang dần hiện thực hóa tham vọng biến công ty của họ thành nhà bán sỉ các sản phẩm công nghệ và điện tử gia dụng dẫn đầu thị trường. Gần 15 năm phát triển, ông Việt đã đưa Digiworld từ một công ty phân phối sỉ máy tính nguyên chiếc và linh kiện máy tính cho các nhà bán lẻ đã trở thành nhà phân phối theo xu hướng 3C của thế giới với doanh thu gần 73 triệu USD trong năm 2010, bên cạnh đối thủ lớn FPT.

Đúng kiểu “rủi ro cao, lợi nhuận cao”
Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Digiworld.
Ngành công nghiệp 3C được hiểu là bao gồm 3 nhóm hàng máy tính (computer), điện tử tiêu dùng (consumer electronics) và thiết bị viễn thông (telecommunications). Tổng hợp từ nhiều cuộc khảo sát, ông Việt cho biết, mảng máy tính tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 1,3 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 25%/năm, trong khi thiết bị viễn thông cũng vào khoảng 1,3 tỉ USD (tăng trưởng 10-15%/năm) và nhanh nhất là điện tử tiêu dùng với 2 tỉ USD, tăng trưởng 10%.Sự hấp dẫn về tăng trưởng của từng nhóm khiến sự tích hợp ngành 3C trở nên hấp dẫn với phần lớn các nhà bán lẻ của Việt Nam, mà những thương hiệu như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động đều triển khai (điển hình như Thế Giới Di Động trước đây chuyên bán lẻ các thiết bị viễn thông và máy tính thì năm 2010 cũng đã mở rộng sang điện tử tiêu dùng để hoàn thành chiến lược 3C). Và số ít những nhà cung cấp hàng cho Thế Giới Di Động (còn gọi là các nhà sán sỉ), trong đó có Digiworld, cũng phất lên từ xu hướng thị trường này. Thế Giới Di Động là hệ thống bán lẻ lớn nhưng chỉ được xem là 1 đại lý của nhà phân phối sỉ Digiworld, trong khi công ty này có đến hơn 1.200 đại lý trên toàn quốc. Nếu nhân lên theo tỉ lệ này và nhìn vào doanh thu của Digiworld, dễ tưởng rằng kinh doanh bán sỉ rất ngon ăn. Thực chất, câu chuyện này không đơn giản.
“Kinh doanh bán sỉ không dễ dàng hơn so với bán lẻ, nhưng chúng tôi có thể chịu ít rủi ro hơn”, ông Việt nói. Mô hình Digiworld không nằm ngoài mô hình truyền thống mà theo đó, công ty nhận hàng từ các nhà sản xuất và phân phối lại cho các nhà bán lẻ. Nhưng trong khi nhà bán lẻ Thế Giới Di Động có thể chỉ mất 5 năm để thương hiệu được biết đến thì các chủ bán sỉ như Digiworld tồn tại và phát triển gần 15 năm (Digiworld thành lập năm 1997) vẫn còn là “nhân vật ẩn sau hậu trường”. Một lý do đơn giản: bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì khả năng biết đến thương hiệu nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Việt vẫn cho rằng, mô hình bán sỉ vẫn có những điểm hấp dẫn khiến ông không chuyển sang bán lẻ như một trào lưu. “Trong khi nhà kinh doanh bán lẻ phải mất 6 tháng để xây dựng cửa hàng và 1 năm sau mới có lãi, cũng như phải đối mặt với thách thức nguồn nhân lực, chi phí quản lý cửa hàng, đặc biệt trong tình trạng kinh tế khó khăn, thì chúng tôi có thể linh động và thích nghi hơn. Vì là nhà bán sỉ, nếu thị trường đi lên, chúng tôi nhập nhiều hàng từ nhà sản xuất hơn và ngược lại”, ông Việt chia sẻ.
Tỉ suất lợi nhuận trong ngành phân phối nói chung không cao và với những mô hình tương tự Digiworld trên thế giới, lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 3%/doanh thu. Tuy nhiên, các nhà bán sỉ có thể bỗng chốc trở nên quyền lực bởi sở hữu những nhà sản xuất lớn (cho đầu vào), cũng như số lượng nhà bán lẻ lớn của họ (cho đầu ra), trong một thị trường không có nhiều đối thủ.
Phân tích khía cạnh này qua trường hợp Digiworld. Công ty này đang được cung cấp hàng bởi 5 nhà sản xuất lớn là Acer, Dell, HP, Toshiba, Samsung... và phân phối ra 1.200 đại lý, trong khi đối thủ chính của công ty này chỉ là FPT (tuy nhiên, FPT là đơn vị đa ngành nghề trong khi Digiworld chỉ tập trung vào mảng kinh doanh này) . “Khi bạn được cung ứng từ các nhà cung cấp nổi tiếng và sở hữu số lượng lớn các đại lý, bạn sẽ tăng thêm cơ hội để mở rộng mọi thứ sau đó. Bằng không, mọi thứ sẽ chẳng đến với bạn”, ông Việt nói. Và đó cũng là một trong những lý do vì sao, thị trường này không tồn tại nhiều “người chơi”, cả cũ lẫn mới và ngay cả đối với những nhà bán sỉ nước ngoài, câu chuyện để “bắt tay” được với cả 2 đối tượng nhà sản xuất đa quốc gia và nhà bán lẻ nội địa không hề dễ dàng.
“Chúng tôi đang làm nhiều hơn vai trò của một nhà bán sỉ”, ông Việt nói. Thách thức của một nhà bán sỉ như Digiworld là vừa làm sao “bắt tay” được với những nhà sản xuất uy tín cho nguồn hàng tốt, vừa phải làm sao hỗ trợ nhà bán lẻ bán được nhiều hàng hơn (dù rằng, Digiworld thực hiện việc mua đứt bán đoạn với cả nguồn hàng đầu vào (từ nhà sản xuất) và đầu ra (cho nhà bán lẻ).
Với nhà sản xuất, ông chia sẻ kinh nghiệm: “Những nhà sản xuất lớn thường chọn các nhà bán sỉ theo 3 tiêu chí chủ đạo: số lượng nhà bán lẻ đang sở hữu, năng lực tài chính và giải quyết hàng tồn kho, cam kết của nhà bán sỉ trong chiến lược hợp tác dài hạn. Những điều này chúng ta đã nỗ lực xây dựng nhiều năm qua”. Ông cũng cho rằng, nếu một doanh nghiệp bán sỉ Việt Nam có vốn và quản trị tốt (so với nhà bán sỉ nước ngoài), thì yếu tố “số lượng nhà bán lẻ” sẽ trở thành ưu thế cạnh tranh (bởi nhà bán sỉ Việt Nam có thể hiểu được tâm lý và văn hóa kinh doanh, cũng như tiêu dùng của người bản địa).
Vì thế, tiếp đến, với nhà bán lẻ, Digiworld là một trong số ít nhà bán sỉ tiến hành phương thức hỗ trợ khuyến mại và truyền thông. “Nhà bán sỉ không nhất thiết phải làm điều này, nhưng bạn muốn mọi người đi với mình lâu dài, bạn phải có sự hỗ trợ và những cam kết”, ông Việt nói.
Quyền quyết định thuộc về vợ hay bạn?
Những mô hình phân phối 3C thành công một phần đến từ sự bùng nổ của thị trường thiết bị số. Trong nửa thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Digiworld trung bình 40%/năm trong khi trung bình thị trường là 20%. Kiểm toán từ Công ty Deloitte Vietnam với Digiworld cho thấy, công ty này đã đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng. Và với đà tăng trưởng này, ông chủ Digiworld hy vọng sẽ đạt 2.300 tỉ đồng (tương đương gần 112 triệu USD) trong năm 2011. Ông Việt cũng cho biết, công ty này đã đạt khoảng 600 tỉ đồng doanh thu chỉ tính riêng trong quý I năm nay.Gần 15 năm phát triển, Digiworld đang quản lý lực lượng 250 lao động. Thế Giới Di Động, một mô hình bán lẻ chỉ đi bằng một nửa chặng đường của Digiworld nhưng doanh thu là 145 triệu USD, gần gấp đôi công ty này. Tuy nhiên, ông Việt không có ý định chuyển sang mô hình bán lẻ bởi theo ông, trong vài năm tới, mảng bán lẻ sẽ trở nên vô cùng khốc liệt”. Trong khi đó, sân chơi bán sỉ vẫn còn ít mặt anh tài và số lượng nhà sản xuất đông.
Đoàn Hồng Việt, 41 tuổi, kinh doanh gặp thời khi Internet lên ngôi năm 1997 với việc phân phối sỉ máy tính cho các nhà bán lẻ nội địa có tiếng khi đó tại TP.HCM là Phong Vũ, Hoàn Long. Đến năm 2000, ông bắt đầu bắt tay thành công với những nhà sản xuất lớn và sự phát triển này góp phần để một quỹ đầu tư có tiếng đầu tư vào công ty ông với tỉ lệ sở hữu 20% sau đó (năm 2008).
Dù có sự tham gia của cổ đông chiến lược là quỹ, Digiworld vẫn tồn tại trong vỏ bọc công ty gia đình. “Tuy nhiên, dù là bạn hay vợ (cả 2 người phụ nữ này đều giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Digiworld), tôi vẫn để cho quyền quyết định thuộc về người có chuyên môn”, ông Việt nói. Trong khi đó, bà Tô Hồng Trang, Phó Tổng Giám đốc Phát triển Tổ chức Digiworld, vợ ông Việt, cho rằng, quyền quyết định thuộc về người có chuyên môn cũng chính là một phần văn hóa công ty đối với cả các cấp quản lý, nhân viên khác thuộc công ty này.


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo NCĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét