Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Triệu phú làm giàu từ gắp phân, cắt cỏ

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt khắc khổ đậm chất... nông dân. Ít ai nghĩ anh là triệu phú tiền đô. Thậm chí còn là “thầy” của triệu phú. Từ cái nguy chết đói dạy anh cách kiếm tiền. “Mỗi đồng tiền kiếm ra là những giọt mồ hôi. Những giọt mồ hôi không chỉ thấm trên quần, trên áo, trên tóc, trên da mà ngấm vào từng đồng tiền. Mỗi đồng tiền kiếm ra là những vất vả, gian nan, những cực nhọc khó tưởng tượng. 

Nguyễn Mạnh Hùng- GĐ ThaiHabooks

Tôi gặp Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên, khi đến Thái Hà books dự một cuộc gặp gỡ với một tác giả người Mỹ. Nhìn anh ngồi cạnh vị khách to lớn, làm nhiệm vụ phiên dịch, tôi nghĩ anh là nhân viên, thậm chí là... người làm công theo sự kiện cho Thái Hà books. Sau mỗi lần gặp anh, tôi lại thêm một bất ngờ mới. Cho đến khi tôi thấy anh như trút lửa trong từng lời nói của mình tại buổi hội thảo “Nghĩ giàu, làm giàu”, tôi mới biết phía trong con người nhỏ nhắn kia là một nghị lực phi thường. Và tôi quyết định bấm máy, đề nghị anh một cuộc hẹn phỏng vấn. Không kiểu cách, không cố gây khó khăn như cách những người nổi tiếng và bận rộn chuyện làm giàu vẫn có, anh vui vẻ nhận lời. 

Làm giàu từ gánh cỏ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Nguyễn Mạnh Hùng nói ngày xưa nhà anh nghèo lắm, nghèo đến mức như người ta vẫn thường nói là “kiết xác”. Nghèo đến mức vác rá đi vay gạo người ta cũng ngại ngần khi không biết mình sẽ lấy cái gì để trả nợ. Từ bé, anh đã phải lăn lưng để lao động cùng bố mẹ. Hình ảnh của những đêm mùa đông giá rét, hai mẹ con lui cui đèn dầu ra bỏ cỏ cho trâu hợp tác xã ăn như vẫn đâu đây trong trí nhớ của ông giám đốc Thái Hà books. Không ai nghĩ, vị triệu phú tiền đô của ngày hôm nay lại có thời phải dậy thật sớm, theo đàn trâu của hợp tác xã ra đồng để hót phân, phải đi cắt cỏ thuê để kiếm tiền mua sách bút tự trang trải cho việc học tập của mình từ lúc chưa tròn 10 tuổi.
“Từ nỗi khổ đó mà mình biết kiếm tiền. Tôi thích từ nguy cơ” – anh tâm sự. Trong Nguy có Cơ. Từ cái nguy chết đói dạy anh cách kiếm tiền. Từ nguy cơ chết đói giúp anh dễ dàng có được gói tiền lớn đến mức cả đêm chỉ thức để ngắm nó vào thời điểm vẫn còn là sinh viên.

Hãy gieo hạt giống
Nhìn lại những trải nghiệm của chính mình, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Không riêng gì việc làm giàu, tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, nếu muốn thực hiện được, phải “gieo hạt giống” vào trong trí não mình. Từ những ngày ngồi trên lưng trâu, hay gục mặt cắt cỏ, từ những cú ngã vì bị gió thổi bay trên bờ đê… đã hình thành trong trí óc non nớt của cậu bé nghèo quyết tâm: Phải làm giàu để cứu đời mình, cứu anh chị em, cứu dòng họ thoát khỏi sự nghèo khó.
“Tư duy làm giàu là mấu chốt, là bắt đầu của mọi bắt đầu. Sau này có cơ hội đi Mỹ, đi Anh, đi Australia, đi Nhật,… tôi có mua được nhiều sách dạy làm giàu bằng đủ các thứ tiếng. Tôi đã đọc ngấu nghiến để học, để hiểu, để biết cách làm giàu một cách bài bản. Tôi cũng đã may mắn mua được cuốn “Think and grow rich” của Napoleon Hill. Ở đó tôi tìm thấy nhiều điểm giống tư duy của tôi ngày xưa. Cuốn sách trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường của tôi ngay từ khi mua được. Đi đâu cũng thường mang theo. Để đọc. Để ngẫm. Để ứng dụng. (Và may mắn thay chúng tôi đã mua được bản quyền cuốn này và xuất bản ra tiếng Việt với cái tên “Think and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu”). Cuốn sách đã mang lại lợi lộc lớn cho rất nhiều doanh nhân, rất nhiều bạn bè tôi, rất nhiều người muốn và đang làm giàu” anh tâm sự.

Đừng kiếm tiền bằng mọi cách
“Mỗi đồng tiền kiếm ra là những giọt mồ hôi. Những giọt mồ hôi không chỉ thấm trên quần, trên áo, trên tóc, trên da mà ngấm vào từng đồng tiền. Mỗi đồng tiền kiếm ra là những vất vả, gian nan, những cực nhọc khó tưởng tượng. Bao đêm không ngủ. Bao sáng thức giấc khi cả thế giới đang ngủ ngon. Bao nhiêu ngày không nhìn thấy ánh mặt trời. Bao đêm thức chỉ nghe thấy tiếng tíc tắc của đồng hồ.” - Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự. Cũng bởi thấm thía việc kiếm tiền từ khi còn quá nhỏ nên phương châm làm giàu của vị giám đốc Thái Hà books rất đơn giản: Đừng làm giàu bằng mọi cách. Ví như Thái Hà books, có người đã bảo anh là “Khùng” khi để một cơ ngơi có thể tự đẻ ra tiền vào việc kinh doanh vài cuốn sách; có người bảo anh hãy làm sách lậu, hãy làm sách mà thị trường đang cần, đó là những cuốn sách về tình dục, về chuyện đâm chém… nhưng với Nguyễn Mạnh Hùng, đặc trưng của sách mang thương hiệu Thái Hà books phải là sách có bản quyền, phải là những cuốn sách để khi đọc xong, trí não, tâm hồn người đọc có thêm được những giá trị mới.

Nhờ ân nhân ngã: nhẫn
Trong phòng làm việc của anh, bức khung hình lồng chữ Nhẫn được treo ở vị trí trang trọng. Chỉ có điều, anh “thờ” chữ Nhẫn không giống như cách mọi người vẫn nghĩ để lòng bớt sóng gió, nổi loạn. Anh tôn chữ Nhẫn theo cách của riêng mình. Với anh, Nhẫn là “nhờ ân nhân ngã” tức là nhờ ơn người để thấy bản ngã của mình. Người mà anh hàm ơn trong cuộc đời này, theo anh, kể cả ngày không hết. Cũng bởi luôn nhắc đến sự hàm ơn, nên người được anh coi là thầy không chỉ là những con người vĩ đại, mà có thể là cậu bán vé số, là anh quét rác vô danh… Cũng bởi thế, nên vị Chủ tịch hội đồng quản trị của Thái Hà books luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình có. Nhưng cách cho của Nguyễn Mạnh Hùng không phô phang. Anh sẵn sàng cho một gia đình tiền để họ sửa lại ngôi nhà mà từ đời cha, đời ông họ mong muốn nhưng chưa làm được. Anh sẵn sàng cho một con trâu, một cái xe đạp, một bộ dụng cụ cắt tóc đối với người anh vô tình gặp trên đường đi du lịch. Sẵn sàng đưa một đứa bé vô tình gặp trong cuộc đi chơi về Hà Nội để chữa bệnh hiểm nghèo… Anh cũng tham gia vào những buổi từ thiện theo cách của riêng mình, không cần đến những nơi nhà từ thiện được tôn vinh dưới rực rỡ đèn hoa, không cần thương hiệu được nhắc đến. “Cho là để nhận lại. Cả một nụ cười bạn cho người khác cũng chính bạn là người đầu tiên được hưởng nụ cười. Tôi không tranh luận về quan điểm làm từ thiện. Với tôi, làm từ thiện như cách người ta yêu nhau, chỉ cho, chỉ cống hiến mà không đòi hỏi” - anh nói.
Khi biết tôi muốn viết bài về anh trong chuyên mục “Yes! Iam” của Pháp luật Việt Nam Chủ nhật, anh trầm ngâm: “Thật khó để có thể nói: Tôi là ai. Là giám đốc, là tiến sỹ, là thầy, là doanh nhân? Không phải!” Rồi anh dẫn giải cho ý kiến của mình bằng quan điểm của đạo Phật về luật luân hồi, về duyên nghiệp. Tôi ngạc nhiên khi những câu trả lời mang màu sắc huyền bí phương Đông ấy được nói ra bởi một vị tiến sỹ Tây học. Anh giải đáp thắc mắc: “Tiến sỹ chẳng nói lên gì cả.” Anh cũng không thích mọi người gọi mình là tiến sỹ. Anh thích sự hiểu biết, trình độ phải được thể hiện bằng lối sống, bằng cách ứng nhân xử thế. Tạm biệt Nguyễn Mạnh Hùng khi cuộc trò chuyện đã kéo dài qua buổi sáng, anh tặng tôi một cuốn sách của đạo Phật bàn về đạo làm con, cùng lời đề tặng mà anh tâm đắc: “Chút điều xấu cùng ngăn cùng giữ/ chút điều lành cùng thử cùng làm.”  


Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị Thái Hà books - từng học đại học và sau đại học tại Nga (Liên Xô cũ). Anh từng đảm nhận vị trí quan trọng của nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn. Từng học tập, công tác, tham quan, làm việc tại 39 quốc gia. Thành thạo 4 ngoại ngữ. 
Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu giảng về quản trị kinh doanh từ 2003 sau khi từ Sydney, Australia về VN. 
Nơi giảng là: Tổ chức InWent (Đức), Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội; Các công ty và Trung tâm đào tạo: Đào tạo và Tư vấn ngân hàng BTC, PTI, Vitoria, VCCI, Viện quản lý Châu Á, Công ty chứng khoán Thăng Long, Chứng khoán Đại Dương, Công ty Thành Nam, Công ty Hà An, Ngân hàng Quân đội MB, Ngân hàng nhà Habubank, ngân hàng An Bình, Techcombank, Tổng công ty Phát hành sách TP HCM Fahasa, Công ty Vinapay, Kiều Gia…



Sách DOANH TRÍ's Blog
 (Theo DDDN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét