Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Doanh nhân nói về từ thiện

Làm từ thiện không hẳn là chuyện marketing thương hiệu, mà xuất phát từ đạo lý ngàn đời nay: “Làm lời cho người cũng là làm lợi cho ta”. 
 


Một người bạn của tôi viết lên tường của facebook: “Suốt ngày từ thiện”. Một nhóm người vào bình luận với những câu chữ không hay. Tôi không khỏi thắc mắc vì sao khi xã hội ngày càng phát triển mạnh, những quỹ từ thiện ngày càng tăng lên, giúp đỡ được nhiều người khốn khó hơn mà người ta lại có cái nhìn bi quan hơn về từ thiện?

Trước tiên, để có cái nhìn công tâm hơn về việc làm từ thiện. Tôi xin trích câu nói của ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty Maseco: “Chúng tôi là một tập thể gắn bó. Vậy nên, những dự án tình nguyện, thiện nguyện hẳn sẽ giúp chúng tôi lấy lại sinh khí, cảm hứng sáng tạo”. Maseco đã chi 3 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện trong riêng năm 2009. Những hoạt động đó không chỉ có ích cho cộng đồng, mà về phía doanh nghiệp, Maseco cũng nhận thấy nhân viên được kích thích sáng tạo nhiều.


Nhiều người nói rằng, làm từ thiện chẳng qua chỉ là một cách marketing, mua thương hiệu. Do quan niệm ấy, người ta có cái nhìn xét nét trước “lòng tốt” của các doanh nhân. Tôi còn nhớ cách đây gần 10 năm, một lãnh đạo tập đoàn FPT từng nói:
“Bọn tôi bước qua xác của nhiều người để làm ra 1 triệu USD, sau đó bọn tôi bắt đầu làm từ thiện”. Câu nói này chợt khiến tôi liên tưởng đến Warren Buffett trong lần quyên tặng gần 4 tỷ USD cho 5 quỹ từ thiện đã phát biểu: “Tôi trả lại cho xã hội những gì đã góp nhặt được từ xã hội”.

Trong xã hội ngày nay, làm từ thiện gắn liền với thương hiệu không còn xa lạ với doanh nhân Việt. Nhưng dù là làm từ thiện với mục đích gì, xuất phát từ lòng hảo tâm đối với kẻ khó, từ niềm tin tôn giáo, vì marketing hay điều gì khác. Quan  trọng nhất vẫn là ý thức nghĩa vụ với cộng đồng, bởi mỗi doanh nghiệp đều có lý lẽ riêng và dù nhắm vào mục đích nào thì điểm đến cuối cùng vẫn là mang lại lợi ích cho xã hội. 


Ông Ngô Tấn Quân, phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho biết, mỗi năm doanh nghiệp ông làm công tác xã hội, từ thiện khoảng 5-6 tỷ đồng.


Ông Đặng Công Mỹ, giám đốc Chi nhánh VISSAN Đà Nẵng, đơn vị từng thực hiện nhiều hoạt động từ thiện trên địa bàn Đà Nẵng và vùng phụ cận, trong một lần tham gia cứu trợ bão lụt chia sẻ: “Doanh nghiệp khi có lợi nhuận, phải có trách nhiệm chăm lo cộng đồng. Làm từ thiện cũng là cách gửi lời cảm ơn tế nhị đến cộng đồng”.


Ông Sáu Đặng, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hiệp Hòa, người đã quyên góp rất nhiều tiền cho từ thiện, xây tặng 60 ngôi nhà cho các bà con nghèo tỉnh Phú Yên nói: “Các cụ dạy: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà/ Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. Làm được như thế chính là người có tâm”.


Một doanh nhân giấu tên khẳng định: “Làm từ thiện như một mũi tên mà trúng hai mục đích. Mục đích thứ nhất, các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội bằng các chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam, chăm lo cho các học sinh nghèo hiếu học… Mục đích thứ hai, qua các hoạt động này sẽ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp tốt nhất, thân thiện và thuyết phục”.


Như vậy, làm từ thiện không hẳn là chuyện marketing thương hiệu, mà xuất phát từ đạo lý ngàn đời nay: “Làm lời cho người cũng là làm lợi cho ta”.





Sách DOANH TRÍ's Blog (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét