Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Quyền lực “tướng bà”

Đàn ông “suy nghĩ ra ngoài chiếc hộp” nhưng họ vẫn không thể phủ nhận quyền lực của các “tướng bà”, trong đó có Hoàng Thị Mai Hương, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một công ty quảng cáo nổi tiếng nước ngoài tại Việt Nam.



Chị Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Liên doanh Saatchi & Saatchi và Tập đoàn Publicis tại Việt Nam.



Hơn 30 năm sau khi Việt Nam thống nhất, hình ảnh phụ nữ bắt đầu xuất hiện trong các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia và ngày càng tăng về lượng. Đàn ông nuôi tham vọng làm chủ, trong khi phụ nữ lại nổi lên với vai trò của những nhà lãnh đạo làm thuê. Lĩnh vực truyền thông ghi nhận điều này rõ nét nhất. Các “tướng bà” trong ngành truyền thông như Trần Thị Thanh Mai (Tổng Giám đốc TNS Media), Hana Đặng (Chủ tịch Golden Communication), Nguyễn Hữu Hạnh (Tổng Giám đốc Yahoo! Việt Nam), Chu Thị Hồng Anh (cựu Giám đốc JWT Việt Nam) đã không còn xa lạ trong giới doanh nhân. Và đặc biệt là Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Liên doanh Saatchi & Saatchi thuộc Tập đoàn Publicis tại Việt Nam.

Những ngày đầu tại công ty này Mai Hương không chỉ phụ trách đối ngoại và tài chính mà còn là người trực tiếp tham gia xây dựng chiến lược truyền thông và sáng tạo.

Năm 1995, khi vào Việt Nam, Saatchi & Saatchi đã có ý định biến mình thành doanh nghiệp bản địa. Đây là công ty quảng cáo nước ngoài thứ 2 vào Việt Nam, sau người anh em của nó là Bates (lúc đó cả 2 thuộc Tập đoàn Truyền thông Cordiant) và Mai Hương trở thành người phụ nữ đầu tiên được trao quyền quản lý một công ty truyền thông quốc tế lớn. Khi đó, văn phòng đại diện Saatchi & Saatchi chỉ có 3 người, Mai Hương, thư ký của chị và một nhân viên phụ trách khách hàng.

5 năm sau, Cordiant bán lại Saatchi & Saatchi cho Tập đoàn Publicis và Bates cho Tập đoàn WPP. Trước năm 1998, tại Việt Nam chưa có liên doanh nào trong lĩnh vực quảng cáo được thành lập do những quy định về mặt luật pháp. Đến năm 1998, khi luật được sửa đổi, có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, Saatchi & Saatchi với mong muốn bấy lâu xác lập liên doanh để hợp thức hóa hoạt động kinh doanh đã có những động thái. Đó là Saatchi & Saatchi đề nghị Mai Hương lập một công ty truyền thông riêng có tên Venus và đưa công ty này liên doanh với Saatchi & Saatchi. Và liên doanh đã ra đời với 30% tỉ lệ sở hữu thuộc về Venus.

Để tránh giẫm chân lên nhau, Venus phát triển theo mô hình “Below the lines” (gồm các dịch vụ PR và tổ chức sự kiện), hỗ trợ cho hoạt động “Above the lines” (tức quảng cáo) của Saatchi & Saatchi. Sự tách bạch và tận dụng lợi thế của nhau đã giúp Venus tăng trưởng 20%/năm và “người khổng lồ” Saatchi & Saatchi tăng trưởng 15% (trong khi tốc độ tăng trưởng chung của ngành quảng cáo chỉ khoảng 10%/năm).

Ở Việt Nam, tổng chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là khoảng hơn 500 triệu USD. Ước tính doanh thu của các công ty quảng cáo chỉ tương đương 20% mức này, tức khoảng 100 triệu USD với tỉ suất lợi nhuận trung bình 15-20%, phần lớn 80% còn lại thuộc về các kênh truyền thông. Lợi nhuận không cao nhưng hầu hết các công ty quảng cáo quốc tề đều đã có mặt ở đây bởi tiềm năng tăng trưởng của thị trường, cũng như họ phải theo chân các khách hàng quốc tế đến đây.

Tập đoàn Publicis Việt Nam theo thời gian đã “nở nang”. Lúc này, nữ lãnh đạo 48 tuổi Hoàng Thị Mai Hương cùng hơn 100 đồng nghiệp đang sáng tạo không ngừng tại 3 công ty con thuộc Publicis là Saatchi & Saatchi, Vivaki, Publicis và đối tác Venus.

Mai Hương là một trong số ít nữ trí thức Việt Nam sau thời kỳ đổi mới có điều kiện tiếp cận cả 2 nền học vấn và văn hóa Đông Âu và phương Tây. Chị tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế tại Nga và ngành Chính sách công tại Đại học Harvard (Mỹ), từng có hơn nửa thập kỷ làm việc ở Bộ Ngoại giao và một số công ty đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Nhưng với Saatchi & Saatchi, nơi đã giữ chân chị gần 15 năm, thì “tôi yêu công việc của mình lắm, tôi không muốn thay đổi, dù tôi vẫn đang đầu tư vào một số ngành khác”.

Dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc đơn giản nhưng hợp mốt, trang điểm nhẹ, có thói quen uống cà phê không đường và tập gym mỗi ngày, Mai Hương là đại diện cho tầng lớp người giàu sớm và thành đạt ở Việt Nam. Trong giai đoạn những chiếc xe đạp ngược xuôi bị thay dần bởi những chiếc xe máy và các khu đô thị mới đang hình thành thì Mai Hương đã sớm sở hữu xe BMW, Mercedes-Benz, biệt thự sang trọng và đi du lịch nước ngoài nhiều như lối sống của doanh nhân phương Tây.

Sự đủ đầy không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc của Mai Hương được chị lý giải là do “luôn biết làm mới mình”. Trong căn phòng sơn trắng với trần nhà được thiết kế thô ráp một cách sáng tạo, bên tách cà phê không đường, Mai Hương nói, một trong những yếu tố khiến chị trẻ là “online”. Đó cũng là một trong những công việc hằng ngày của nữ lãnh đạo này, trong thời kỳ lên ngôi của truyền thông trực tuyến. Mai Hương cũng không ngại bộc bạch những câu chuyện thú vị của Tập đoàn Publicis, xu hướng truyền thông mới cũng như chính cuộc sống của chị.

Quảng cáo không là “nghệ thuật tháp ngà”

Saatchi & Saatchi đã nhận được vài giải thưởng sáng tạo mang tầm thế giới như quảng cáo kem dưỡng da Olay, đạt giải đồng của Liên hoan Cannes Lion. Vậy một mẫu quảng cáo như thế nào thì được xem là thành công?

Olay là kem dưỡng da có đặc tính chống nhăn dành cho phụ nữ trung niên. Ý tưởng của quảng cáo này là hình ảnh chiếc vòi bơm của chai Olay được chụp từ một góc nhìn làm nó trông giống hệt chiếc bàn ủi ủi đi hết các nếp nhăn. Saatchi & Saatchi là công ty đạt được nhiều giải thưởng quốc tế nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Nhưng điều này đối với tôi không quá quan trọng, vì có những ý tưởng quảng cáo rất xuất sắc nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho khách hàng và ngược lại. Chẳng hạn, quảng cáo hạt nêm Maggi của Publicis đang phát sóng sử dụng câu ca dao “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng” thể hiện rất đúng tâm lý của người phụ nữ Việt Nam, nhưng chưa chắc nó có thể đạt giải quốc tế, vì làm sao giám khảo quốc tế cảm nhận hết ý nghĩa của câu ca dao này.

Vậy một quảng cáo hay có nhất thiết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc?

Không hẳn! Khi xây dựng hình ảnh chú gà dễ thương cho mạng di động Beeline, mục tiêu của chúng tôi là làm sao để mọi người nhận biết nó nhanh nhất. Với 30 giây phát sóng, hình ảnh chú gà vì thế chẳng cần mang ý nghĩa cụ thể gì, chủ yếu là dễ nhớ, thân thiện. Một quảng cáo hay thường phải dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn đối với một nhóm đối tượng cụ thể. Nhưng một quảng cáo thành công phải là một quảng cáo có hiệu quả, làm cho người xem “yêu” thương hiệu hơn một chút. Quảng cáo không phải là “nghệ thuật trong tháp ngà”.

Vậy điều gì khiến một mẫu quảng cáo không xuất sắc?

Những quảng cáo không xuất sắc là do khách hàng và công ty quảng cáo quá phụ thuộc vào những khuôn mẫu sẵn có và không dám “liều”. Một số khách hàng chỉ muốn nói điều hay về sản phẩm của họ với đầy đủ chi tiết mà quên tập trung vào những điều người tiêu dùng muốn nghe và vì vậy không tạo được ấn tượng cho người xem. Các quảng cáo “trung bình” tràn ngập trên báo đài là một sự đầu tư lãng phí.

Là đại diện một tập đoàn nước ngoài, chị đánh giá thế nào về ý thức xây dựng thương hiệu bằng quảng cáo và truyền thông của các công ty Việt Nam?

Khách hàng Việt Nam lớn đầu tiên của chúng tôi là Công ty Bia Bến Thành, khi đó có thương hiệu bia Laser và nước tăng lực Number One, bây giờ là Tân Hiệp Phát. Năm 1999, các công ty quảng cáo hầu như không biết đến Bia Bến Thành, nhưng ông chủ Trần Quý Thanh đã làm tôi ngạc nhiên vì quyết tâm rất cao khi nói về ý muốn phát triển thương hiệu (lúc đó nhiều doanh nghiệp địa phương chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu). Thế là, tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho buổi đấu thầu xây dựng thương hiệu Bia Bến Thành. Sau khi giành được hợp đồng, tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng họ đạt mức tăng trưởng đến 300%/năm vào thời điểm đó.

Đó là câu chuyện khách hàng Việt Nam. Vậy còn công ty truyền thông của Việt Nam thì sao, cụ thể là Venus với mảng PR và tổ chức sự kiện. Chị nhận định thế nào về khả năng cạnh tranh của các công ty PR nội địa so với nước ngoài?

Trong nghiên cứu về độ nhận biết các công ty dịch vụ PR do Công ty Nghiên cứu Thị trường FTA thực hiện trong năm nay 5 công ty dẫn đầu chủ yếu là các công ty Việt Nam như Venus, Galaxy, Golden Event, Max Communications. Ở lĩnh vực này, các công ty Việt Nam có phần thắng thế do hiểu văn hóa bản địa, có mối quan hệ tốt với nhà báo và các cơ quan quản lý.

Quan điểm của chị về một người làm PR chuyên nghiệp?

Tôi muốn nhắc đến người đóng góp rất nhiều vào sự thành công của Venus là cô Diệu Hồng, Giám đốc PR của Venus. Cô ấy là người thật thà và nhỏ nhẹ, không bao giờ chịu nói điều không thật, trái với quan điểm của nhiều người cho rằng PR là phải lèo lái. Bạn là nhà báo, tôi chắc rằng bạn cũng rất sợ giới PR cung cấp thông tin sai sự thật. Người làm PR giỏi là người hiểu được nhu cầu thông tin của báo giới và tìm được điểm chung giữa nhu cầu ấy với thương hiệu của mình. Hiện nay, lĩnh vực PR tại Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp và cũng rất nhạy cảm vì còn thiếu các quy tắc hành xử chặt chẽ của cả công ty PR lẫn báo giới. Khác với các thị trường đã phát triển, nơi người tiêu dùng có kinh nghiệm thực tế nhiều hơn. Người tiêu dùng Việt Nam rất tin các bài viết PR trên báo, nhưng nếu một lần bất tín họ sẽ vạn lần bất tin. Xây dựng lòng tin đã khó, giành lại lòng tin còn khó gấp vạn lần.

Qua gần 15 năm trong nghề, chị thấy ngành truyền thông đã thay đổi như thế nào?

Khi tôi bắt đầu vào làm ở Saatchi & Saatchi, ngành quảng cáo Việt Nam nhìn chung chưa chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đổ tiền làm thương hiệu một cách không tính toán và công ty quảng cáo có thể sống thoải mái với những công việc đơn giản là nội địa hóa các mẫu quảng cáo sản xuất ở nước ngoài và đưa lên các phương tiện truyền thông, mặc cho chất lượng đôi khi chưa hoàn hảo. Đội ngũ marketing, còn gọi là các marketer, của các doanh nghiệp này, những người trực tiếp làm việc với các công ty quảng cáo, phần lớn cũng là người nước ngoài, ít am hiểu về người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các marketer người Việt ngày càng nhiều. Họ am hiểu sâu sắc văn hóa địa phương và cũng có nhiều kinh nghiệm quốc tế nên đòi hỏi khắt khe hơn nhiều về một sản phẩm quảng cáo. Tôi cho đây là biểu hiện của sự chuyên nghiệp hóa ngành quảng cáo tại Việt Nam.

Đâu là thế mạnh và hạn chế của công ty quảng cáo, truyền thông nội địa?

Am hiểu văn hóa, tâm lý của người Việt là một thế mạnh của các công ty truyền thông nội địa, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Không phải cứ là người Việt và nói tiếng Việt là đương nhiên hiểu Việt Nam hơn, nhất là từ góc độ thương mại. Hạn chế của nhiều công ty quảng cáo địa phương là còn thiếu đầu tư lâu dài cho tính chuyên nghiệp, tầm nhìn chiến lược và sự trung thành với khách hàng. Họ có thể giảm giá rất mạnh để giành khách hàng nhưng lại ít có khả năng theo đuổi khách hàng lâu dài. Cụ thể là họ không có quá trình tìm hiểu khách hàng trong nhiều năm, không thể chấp nhận chịu lỗ cùng khách hàng trong một vài giai đoạn nào đó. Điều này không trách được vì các công ty quảng cáo nội địa không nhiều vốn và cần đạt lợi nhuận nhanh.

Từ nền tảng công nghệ số đến xu hướng M&A

Xu hướng chủ đạo đang thay đổi bộ mặt ngành truyền thông, quảng cáo theo chị là gì?

Sự phát triển của internet! Thay đổi lớn nhất là tính tương tác và cộng đồng. Trước đây, quảng cáo là một người nói, cả triệu người nghe (như báo chí, ti vi truyền thống) thì bây giờ, với internet, cả triệu người nói chuyện với nhau và họ có quyền lựa chọn nghe hoặc không, có quyền khen chê và thậm chí tạo ra nội dung. Quyền kiểm soát sẽ thuộc về người xem, người nghe chứ không phải người phát nữa. Và quảng cáo có tác động mạnh nhất sẽ có thể tạo ra tương tác giữa con người với con người, con người với thương hiệu. Tôi cho đây là “đại dương xanh” của các công ty quảng cáo.

Thay đổi thứ 2 là tốc độ. Apple ra iPad, chỉ trong ngày là cả chục triệu người có thể xem hình ảnh, đặt mua. Thông tin một sản phẩm bị lỗi chỉ trong chốc lát cũng có thể lan tỏa ra cả trăm ngàn người qua mạng. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các nhà làm truyền thông thương hiệu. Làm sao để lướt sóng mà không để sóng cuốn mình đi.

Nếu nói như vậy không lâu nữa quảng cáo trực tuyến sẽ thay thế truyền hình và báo in tại Việt Nam?

Xu hướng trên thế giới là vậy, nhưng đa phần các công ty quảng cáo, truyền thông Việt Nam chưa thực sự nắm bắt kịp trào lưu này, kể cả chúng tôi. Vì ở Việt Nam internet còn chưa phổ biến rộng rãi, nhất là ở nông thôn và đô thị nhỏ, người xem còn mang tính thụ động thì báo chí và truyền hình vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Mặt khác, các chuyên gia tiếp thị số tại Việt Nam rất ít. Những người giỏi về internet thì có nhiều cơ hội tốt để làm việc cho các công ty phát triển phần mềm, trò chơi trực tuyến hơn là đầu quân vào công ty quảng cáo.




Chị Mai Hương (thứ 2 từ trái sang) trong cuộc họp giao ban với các nhân viên. 

Thời gian qua, các công ty quảng cáo nước ngoài đã mua lại nhiều công ty trong nước. Theo chị, xu hướng này trong tương lai sẽ như thế nào?

Những gì mua được, bán được trong lĩnh vực quảng cáo thì các công ty gần như đã làm rồi. Tổ hợp Truyền thông Đất Việt (VAC) bán một phần cho Tập đoàn WPP, XPR bán cho OMD, Venus liên doanh với Saatchi & Saatchi, Golden cũng đã có người hỏi han. Hiện tại, các công ty nước ngoài không còn cần mua lại công ty quảng cáo Việt Nam chỉ để được phép hoạt động, vì họ đã được cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài vẫn đang săn đuổi các công ty truyền thông hoạt động trên nền tảng quảng cáo internet (tức công nghệ số, hay digital) hoặc các hoạt động phát triển thương hiệu bằng sự kiện (activation). Với mảng digital, các công ty nước ngoài muốn lấy kinh nghiệm của các công ty nội địa. Còn với mảng activation, các nhà truyền thông nước ngoài hiểu rằng họ thiếu kinh nghiệm và mối quan hệ hơn so với công ty địa phương.

Vậy động thái của Publicis trong hoạt động M&A này là gì?

Tập đoàn Publicis có Razorfish và Digitas là 2 công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực quảng cáo dựa trên nền tảng số. Gần đây Publicis cũng đã có nhiều hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Nam Mỹ, Indonesia. Chúng tôi đang trong quá trình tìm hiểu và không loại trừ khả năng Tập đoàn sẽ sớm tiến hành các hoạt động này ở Việt Nam. Việc tìm kiếm một công ty “digital” mạnh ở Việt Nam để mua không dễ. Nếu mua một công ty “digital” có sẵn thì khả năng Publicis sẽ đứng ra thực hiện. Cũng có khả năng Venus sẽ đầu tư để lập một công ty “digital”.

Vậy tương lai gần, khả năng cạnh tranh của các công ty truyền thông, quảng cáo Việt Nam sẽ ra sao?

Ngành truyền thông đang chuyển động rất nhanh. Trong vòng 5 năm tới, tôi có thể nhấn mạnh, những công ty lớn nhất trong lĩnh vực này phải dựa trên nền tảng “digital”. Các công ty nội địa mạnh như Đất Việt sẽ tiếp tục mạnh hơn, đầu tư vào các lĩnh vực mới và rất có thể sẽ vươn ra thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Singapore, Nga. Vì đã dựa trên nền tảng internet, tính quốc tế trong lĩnh vực truyền thông sẽ ngày càng mạnh và biên giới địa lý không còn nữa.

Mọi người vẫn hay nhắc đến sự ra đời ồ ạt của các công ty quảng cáo sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Chị đánh giá thế nào về điều này?

Những năm gần đây thị trường quảng cáo Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn so với Thái Lan, Singapore. Tuy nhiên, không phải cứ thêm công ty quảng cáo thì thị trường phình to lên, mà tăng trưởng phải nằm ở chỗ có thêm nhiều việc làm cho họ. Thị trường quảng cáo to hay không là tùy thuộc vào người mua, chứ không phải người bán.

Thuật quản trị của “tướng bà”

Publicis và Venus có rất nhiều “tướng bà”. Chị có vẻ ưu ái cho phụ nữ?

Phải nói là tôi rất thích làm việc với phụ nữ bởi họ thường hiểu tâm lý tiêu dùng hơn nam giới và có khả năng trình bày thuyết phục hơn. Đây là 2 ưu thế quan trọng trong lĩnh vực truyền thông. Hiện nay, có 4 cô gái rất quan trọng đối với tôi. Đó là chị Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Tài chính của Tập đoàn Publicis; chị Thiên Thanh, Giám đốc Publicis; chị Phoebe Phạm, Giám đốc Saatchi & Saatchi và chị Hồng Lan, Giám đốc Venus. Trong số họ có người đã gắn bó với tôi gần 15 năm. Nhưng tôi cũng có những thủ lĩnh nam giới rất giỏi như anh KC Arriwong, Giám đốc Sáng tạo của Tập đoàn, cánh tay phải của tôi về mặt sáng tạo và anh Deboo Mohanty, Giám đốc Publicis Group Media.

Tôi thấy lạ là tại sao các “tướng bà” là người Việt trong khi các “tướng ông” lại là người nước ngoài?

(Cười). Có lẽ vì đàn ông Việt Nam thích làm tướng và không thích làm việc dưới trướng phụ nữ. Họ cũng thích làm chủ hơn làm thuê. Tôi cho rằng nếu suy nghĩ làm thuê không vinh quang thì không đúng, vì hãy nhìn ra thế giới, những người làm thuê giỏi khiến ông chủ của họ phải kính nể. Tại Việt Nam, các ông chủ công ty gia đình thành công khó kiếm được người quản lý giỏi cũng vì thiếu tầng lớp “tướng” làm thuê chuyên nghiệp này. Nhưng tôi vẫn rất thích làm việc với đàn ông. Họ thường có tầm nhìn xa hơn và quyết đoán hơn. Nhiều khách hàng và cấp trên của tôi cũng là đàn ông kia mà. Và tôi làm việc rất tốt với họ.

Theo chị, đâu là thuật để giữ chân nhân sự có khả năng sáng tạo cao?

Trước đây, quảng cáo là ngành rất hào nhoáng, hấp dẫn những người yêu thích công việc sáng tạo. Nhưng hiện nay, họ có nhiều sự lựa chọn hơn, có thể đi làm phim, làm truyền hình, quản lý tài năng, quản lý âm nhạc, nên công ty quảng cáo cũng phải cố gắng để giữ người giỏi. Ngoài mức lương cạnh tranh, một môi trường thoải mái cho ý tưởng sáng tạo là hết sức quan trọng.

Tiêu chí tuyển dụng của chị?

Tôi quan niệm mình phải thích người ấy thì mới làm việc được. Có một công ty ứng dụng việc phỏng vấn nhân sự theo tâm lý rất hay. Khi phỏng vấn nhân sự nào đó, nhà quản lý tưởng tượng xem nếu bị kẹt ở sân bay với người này trong 2-3 giờ đồng hồ, họ có thể chịu đựng được không? Đó là tiêu chí về “sự thích”. Sau đó, đã vào ngành quảng cáo ứng viên dĩ nhiên phải có tính sáng tạo, tò mò. Ngoài ra, tôi rất thích người hóm hỉnh và biết cười chính bản thân mình.

Những người đàn ông và phụ nữ nào tại Việt Nam khiến chị ngưỡng mộ?

Một số người tôi có thể kể ra đây là anh Phan Quốc Công (Tổng Giám đốc ICP), Đỗ Anh Tú (Tổng Giám đốc Diana). Còn phụ nữ thì xung quanh tôi có rất nhiều người giỏi mà tôi ngưỡng mộ, đặc biệt là những lãnh đạo có tính cách nhu mì, thư thái, không “show-off”, đúng típ phụ nữ Việt Nam, chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE.

Nhà lãnh đạo nào theo chị là có thuật ngoại giao tốt nhất?

Tôi đã có dịp gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam năm 2000. Tôi từng không mấy thiện cảm với ông sau những “scandal” tình ái, nhưng lần gặp đó ông đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi về năng lực giao tiếp của một nhà lãnh đạo. Ông ấy làm cho bạn có cảm giác ông ấy hiểu và quan tâm 100% đến từng vấn đề cụ thể của riêng bạn. Ông hỏi tôi: “Cô làm nghề gì?”, Tôi nói: “Làm quảng cáo”, ông tiếp lời ngay: “Vậy billboard của bia Foster ở bên ngoài khách sạn New World có phải do cô làm không?”. Và đúng là của Saatchi & Saatchi làm thật. Điểm thú vị thứ 2 là ông nói chuyện với bạn như một người bạn thân lâu ngày vậy. Khi tôi hỏi tại sao Clinton không tham quan Việt Nam dài ngày hơn, ông ấy nháy mắt cười và nói: “Cô không nghĩ tôi phải về để giải quyết chuyện rắc rối chính trường ở Mỹ à?” (lúc đó đang diễn ra việc kiểm lại phiếu bầu tổng thống ở bang Florida giữa Bush và Al Gore).

Vậy Clinton có phải là hình mẫu người đàn ông của chị?

Bây giờ thì tôi thích Obama hơn. Ông ấy chân thành và nhiệt huyết hơn.

Người đàn ông trong công việc và cuộc sống của chị có khác nhau?

Tôi thích đàn ông thích tôi. Cũng như tuyển dụng nhân sự vậy, đầu tiên là phải thích cái đã. Anh ta có thể nghèo hơn tôi, không có ngoại hình hoành tráng nhưng phải hơn tôi ở tri thức, tính hài hước, lòng quảng đại hoặc cuộc sống cá nhân có nhiều câu chuyện thú vị. Còn trong nghệ thuật, lĩnh vực mà tôi yêu mến, tôi thích anh Thành Lộc và Thái Hòa. Họ là những người có tài năng thực sự.

Họ đã diễn những vai đồng tính rất hay. Chị nghĩ sao về người đàn ông đồng tính?

À, tôi rất thích những người đồng tính. Trong lĩnh vực sáng tạo, những người đồng tính không ít và họ rất giỏi. Có người hỏi nếu giả sử con gái của tôi lớn lên và nhận ra mình đồng tính thì sao, tôi nghĩ cũng bình thường. Nếu con gái tôi yêu một phụ nữ mà hạnh phúc còn hơn là kết hôn với người đàn ông nó không yêu.

Là người phụ nữ bận rộn, chị dành bao nhiêu thời gian để chia sẻ cuộc sống với con?

Trước kia, tôi thường chơi với con khoảng 3 giờ mỗi ngày, nhưng bây giờ con gái tôi đã 14 tuổi và thích chơi với bạn hơn. Người mẹ phải biết để cho con mình tự do làm gì nó thích, nếu đó không phải là điều sai trái. Tôi không gò ép con. Tình yêu người mẹ đôi khi là ích kỷ, giữ con bên cạnh để làm niềm vui cho mình. Bây giờ tôi cố gắng tự tìm nhiều niềm vui hơn trong công việc và các mối quan hệ, để không bị hụt hẫng khi con có cuộc sống riêng. Một số người bạn của tôi không có con cái, họ thường bị nhận xét là không có cuộc sống đủ đầy. Tôi không thấy như vậy. Phần đông họ hạnh phúc và có nhiều niềm vui từ công việc, nghệ thuật, công tác từ thiện và những sở thích cá nhân khác nữa.

Điều gì khiến chị sợ nhất trong cuộc sống này?

Tôi sợ con mình hư. Sợ nó không hạnh phúc. Sợ chết sớm sẽ không ai nuôi con. Sợ bị mang tiếng. Và sợ bị ghét.

 
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo NCĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét