Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Doanh nhân nói về áp lực kinh doanh

Chia sẻ của các doanh nhân với VnEconomy về áp lực và cách vượt qua áp lực trong kinh doanh, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Muốn bơi, hãy dám nhảy xuống hồ

Ông Lê Tiến Trường, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

“Là doanh nhân, tôi nghĩ chưa thử nghiệm và rèn luyện thì không ai biết mình có chịu được áp lực hay không? Chịu được bao lâu? Áp lực trong kinh doanh là một yếu tố không thể thiếu, nhiều khi nó lại còn là động lực cho đổi mới, và những sáng tạo của doanh nhân.

Cũng giống như tập bơi vậy, trước hết phải vượt qua nỗi ám ảnh sợ sặc nước, dám nhảy xuống hồ bơi đã, rồi lại cũng tập quen dần với việc sặc nước, uống nước bể bơi rồi mới có thể hy vọng biết bơi, biết bơi rồi nếu kiên trì luyện tập mới có thể bơi tốt được.

Vì thế theo tôi hãy bắt tay vào kinh doanh với các ý tưởng của mình đi đã, rồi chúng ta sẽ luyện tập dần với các áp lực của kinh doanh. Nếu không dám bắt đầu biết đâu chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội trở thành một doanh nhân tài ba, và tự tay xây dựng cơ nghiệp cho mình.

Tôi nghĩ, doanh nhân hiện đại trước hết cần có một nền tảng kiến thức văn hoá, xã hội phong phú, vận dụng hài hoà cả yếu tố truyền thống và hiện đại trong công việc. Có ước vọng kinh doanh, ước vọng đó có cho cá nhân và gia đình, nhưng trên hết là vì sự phát triển của cộng đồng. Sau đó là cần có kỹ năng nhân sự tốt, biết sử dụng con người. Và cuối cùng là có một hậu phương vững vàng, chia sẽ và giúp doanh nhân cân bằng khi có khó khăn”.

Áp lực hay không là do suy nghĩ của mình

Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)
"Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, áp lực cạnh tranh trong kinh doanh cũng ngày một gia tăng. Ngân hàng Quân đội nơi tôi công tác luôn cố gắng đảm bảo lợi ích cao nhất cho các khách hàng, để các cổ đông, đối tác và khách hàng có thể xem MB là điểm tựa vững vàng, tin cậy. Trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ gia tăng lợi nhuận của MB luôn đạt trên 70% mỗi năm. Mới đây nhất, theo công bố của một trong ba tổ chức đánh giá tài chính, tín dụng hàng đầu thế giới là Moodys, MB đang xếp hạng thứ 8 trong số các ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 5 trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy vậy, tôi cũng nhận thấy, áp lực và khó khăn trong công việc cũng là những trải nghiệm thú vị. Nó giúp người lãnh đạo phải tìm cách học hỏi, đủ bản lĩnh để vượt qua; sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn và thêm nhiều kinh nghiệm quý giá.

Hơn nữa, tôi luôn tâm niệm một điều “bớt áp lực để tăng hiệu quả”. Nhiều khi, áp lực hay không là do suy nghĩ và nhìn nhận của cá nhân mỗi người. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ áp lực sẽ là sức mạnh chứ không phải là rào cản để đạt được mục tiêu cá nhân trong công việc.

Có một quy luật bất biến trong kinh doanh đó là chữ tín. Là nữ doanh nhân nhưng tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Nói như vậy, tôi không giấu diếm rằng có những lúc, tôi thấy hết sức mệt mỏi và chịu nhiều áp lực. Nhưng tôi tin nếu những ai đã làm kinh doanh sẽ hiểu rằng cần phải có thái độ và nhìn nhận tích cực để giải quyết mọi vấn đề. Tôi tin vào khả năng của bản thân, tôi có niềm tin ở gia đình và bạn bè, người thân. Đó cũng là động lực giúp tôi luôn cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.

Với nhiều phụ nữ, thành công là được sống hạnh phúc bên gia đình, có những người chỉ cần ổn định công việc, cân đối giữa việc kiếm tiền và chăm lo cuộc sống gia đình. Với nữ doanh nhân, tiêu chí thành công là khá cao. Họ cũng là những người phụ nữ, họ cũng mong muốn giữ được gia đình êm ấm nhưng lại phải dành khá nhiều thời gian để đảm bảo chất lượng công việc, và nhiều khi để có một thành công trọn vẹn, sự hy sinh lại xuất phát từ phía những người làm chồng.

Là một phụ nữ, một đức tính không thể thiếu đó là sự dịu dàng. Đây là yếu tố để giữ gìn hạnh phúc gia đình đồng thời là vũ khí sắc bén trên thương trường. Sự dịu dàng của người phụ nữ đôi khi dung hòa được những căng thẳng và bất đồng trong công việc, đưa đến những thỏa hiệp nhất định có lợi nhất cho các bên.".

Muốn tròn cả thì không thể làm gì được

Ông Tô Nhật, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn AVINAA

“Làm kinh doanh vừa là nghề, vừa là nghiệp và phải có duyên cơ của người làm chủ mới làm được kinh doanh. Khi đã chọn lựa làm chủ doanh nghiệp thì phải có bản lĩnh, có chí và có tài của người làm chủ để chịu được các sức ép do kinh doanh tạo ra.

Muốn để thành công, muốn để trở thành khác biệt và trở thành một cái gì đó đáng kể thì không có nghề nào không có áp lực cao. Thành công càng cao thì áp lực càng lớn. Áp lực chính là điều kiện để thử chí, bản lĩnh và tài của con người.

Trong kinh doanh, người chủ doanh nghiệp phải giải quyết nhiều mối quan hệ cùng một lúc nên đương nhiên khi ấy tổng hòa cộng dồn lại làm cho các doanh nhân phải chịu áp lực rất lớn. Áp lực này nhiều khi lại do chính bản thân chủ doanh nghiệp đặt ra cho mình do khát vọng, do mục tiêu của bản thân đặt ra.

Áp lực hàng ngày trong kinh doanh do tổng hòa các mối quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp tạo ra cũng rất nhiều. Ví dụ, với chúng tôi, hàng ngày phải giải quyết rất nhiều các công việc như lo huy động vốn cho các dự án tiếp tới, lo cân đối tiền ra tiền vào để hoạt động và phát triển, lo giữ chân được những cán bộ giỏi, lo làm sao để quản lý được đội ngũ cán bộ nhân viên cấp dưới không “đánh võng”, không gian lận; lo làm sao để đấu tranh được với các chiêu bài của đối thủ và đi trước các đối thủ cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường; hay lo để ép nhà cung cấp trong việc đạt được mục tiêu của mình; rồi lo tiếp đón hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác… Nói tóm lại có rất nhiều vấn đề phải lo và nhiều khi các mối lo này đến cùng một thời điểm và chủ doanh nghiệp sẽ phải căng mình ra mà giải quyết.

Cách đây khoảng 3 năm, khi đó chúng tôi mới có khoảng hơn 300 cán bộ công nhân viên, khi ấy tôi còn dành được nhiều thời gian đi chơi cùng các cháu và người thân trong gia đình. Hiện nay với 7 đơn vị thành viên và con số cán bộ nhân viên lên tới hơn 1.000 người, lại tiếp tục có nhiều dự án mới được mở ra nên tần suất gặp gỡ với đối tác, với khách hàng, rồi các cuộc họp điều hành cấp dưới nó trở nên dày kín. Chính điều này khiến cho thời gian cho gia đình, người thân và những bạn bè ít đi rất nhiều.

Tuy nhiên, vì đây là khát vọng, là nghiệp và sự đam mê của mình nên những người trong gia đình đều phải chia sẻ và cảm thông, vì họ yêu mình nên cũng rất ủng hộ mình. Còn bản thân những người làm chủ doanh nghiệp thì phải chấp nhận hy sinh, nhiều khi còn bị hiểu nhầm bởi những người thân yêu của mình, nhưng tôi tin rằng cùng với thời gian họ sẽ hiểu mình. Nếu một ai đó muốn tròn cả thì không thể làm gì được cả chứ đừng nói đến chuyện kinh doanh”.

Hãy tranh thủ cả 24 giờ trong ngày

Bà Huỳnh Thị Kim Phụng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát hành Trường Phát

“Thực tế rằng ở bất cứ thời kỳ nào, trong xã hội nào thì kinh doanh cũng đều chịu áp lực rất lớn. Bất cứ một nhà điều hành, quản lý doanh nghiệp nào cũng chịu nhiều áp lực. Đó là phải làm sao đạt hiệu quả kinh doanh, làm sao đảm bảo cuộc sống cho các cộng sự của mình, làm sao đưa sản phẩm và dịch vụ của mình đến tay khách hàng một cách hiệu quả, làm sao vận hành bộ máy hoạt động trơn tru, cả đến việc cải thiện và kết nối các mối quan hệ bên trong lẫn bên ngoài…

Đứng trên phương diện là người quản lý một doanh nghiệp, mỗi sáng thức dậy, điều mà tôi luôn ý thức trong đầu là tôi đang có hàng trăm cộng sự và làm sao chăm lo tốt cho đời sống của họ … Đây chính là áp lực lớn nhất để thôi thúc tôi phải làm việc, phải luôn định hướng công ty của mình đi đúng quỹ đạo của nó, phải làm mới dịch vụ của mình, đảm bảo uy tín với khách hàng, luôn đồng hành cùng anh em để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, kinh doanh không chỉ tạo ra lợi nhuận bằng mọi giá, mà phải đảm bảo đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, phải cân bằng trong cách ứng xử với đối tác, với các cộng sự của mình… Và tôi cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Khi xã hội càng phát triển, thì thị trường càng khắt khe thì áp lực trong kinh doanh càng lớn. Vì vậy, tôi đồng ý rằng nếu ai không chịu được áp lực đó thì đừng kinh doanh.

Mỗi người chúng ta đều được ban cho 24 giờ trong ngày, chúng ta sử dụng 24 giờ đó như thế nào? Đối với người làm kinh doanh thì thời gian là vàng, nên thời gian dành cho cuộc sống riêng tư của một doanh nhân thường nhường chỗ cho công việc.

Là một doanh nhân nên tôi thấu hiểu rằng những doanh nhân như tôi thường không sống cho riêng bản thân, không có nhiều thời gian để chăm sóc cho mình, không được sống quá nhiều bằng cảm xúc… Những lúc căng thẳng vì công việc, tự mình phải điều tiết cảm xúc, luôn tranh thủ từng khoảnh khắc thời gian có được để chăm sóc cho gia đình và gắn kết tình cảm với những người thân.

Với tôi, để cân bằng cuộc sống chỉ có một cách duy nhất là tiết kiệm thời gian bằng cách sắp xếp công việc khoa học và tranh thủ những khoảnh khắc được sống trong không khí ấm cúng của gia đình mình”.

Yếu tố gia đình mang tính quyết định

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Lao động của doanh nhân là loại lao động phức tạp, vừa phải có tri thức, năng lực, vừa phải có kinh nghiệm, đồng thời phải có quyết sách đúng lúc mới mang lại hiệu quả cao. Khi đã dấn thân vào con đường kinh doanh rồi thì nam hay nữ đều phải có tố chất sáng tạo, mạo hiểm và óc phán đoán.

Muốn thành đạt, người ta phải có mục tiêu, lý tưởng, và dốc sức để đạt được điều đó. Tinh thần ham học hỏi giúp doanh nhân không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. Học có thể bằng nhiều cách, ngoài chuyện học thuật, bạn có thể học từ thực tế công việc, từ các đồng sự, nhân viên của mình.

Để vượt qua áp lực trong kinh doanh, đối với nữ doanh nhân, yếu tố gia đình cũng mang tính quyết định, vì thành công của người phụ nữ trong sự nghiệp sẽ là vô nghĩa nếu không có một mái ấm chờ đợi mình sau những giờ làm việc.

Bên cạnh đó, là sự tận tâm, một tố chất rất quan trọng để thành công. Tận tâm trong công việc, tận tâm với con đường đã chọn, tận tâm với đồng nghiệp, với nhân viên… Sự tận tâm ấy không thể thiếu trong bất cứ bước đi nào của mỗi người doanh nhân.

Mục tiêu của doanh nghiệp là hiệu quả kinh doanh, là lợi nhuận. Và để đạt được mục tiêu này, doanh nhân tất nhiên phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, còn mâu thuẫn và đối kháng như thế nào thì nó tùy thuộc vào từng người, hoàn cảnh.

Riêng với tôi, để đạt được mục tiêu này, tôi cho rằng đối mặt với mâu thuẫn là để phát triển, để đổi mới. Tuy nhiên mâu thuẫn trong cuộc sống cá nhân, gia đình, và lợi ích của cộng đồng, của xã hội thì không tồn tại trong cuộc sống của tôi cũng như tại PNJ.

Bởi vì ngoài nỗ lực, tôi thấy mình may mắn khi sinh ra trong một gia đình không phải lo toan. Trong khi nhiều người đồng trang lứa phải bươn chải, vật lộn với cuộc sống cơm áo, tôi có thể dồn sức cho doanh nghiệp của mình. May mắn nữa là tôi được chồng (ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank - PV) trợ giúp. Chồng tôi vừa là người bạn học, bạn đời, vừa là người đóng vai trò quan trọng vào thành công của PNJ từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ông ấy giúp tôi kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp lớn mạnh. Chồng và các con rất hiểu chuyện, thông cảm và ủng hộ công việc của tôi.


Sách DOANH TRÍ's Blog


















(Theo VnEconomy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét