Sau 24 năm, Huawei đứng thứ 2 trong các hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tính cẩn trọng và luôn học hỏi của ngài chủ tịch đã làm nên thành công của hãng.
Ông Ren Zhengfei, chủ tịch công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc, ở thời điểm đỉnh cao bong bóng công nghệ năm 2000 đã nói: “Khủng hoảng, sự tuột dốc và thậm chí khả năng phá sản của Huawei đang dần đến. Chúng ta đang ở mùa xuân nhưng mùa đông đang đến rất gần. Đừng quên rằng con tàu Titanic trước đây đã khởi hành trong niềm hân hoan cao độ.”
Chắc hẳn không có nhiều ông chủ có thể cẩn trọng như ông. Ông đã đúng khi sợ hãi rằng bong bóng công nghệ sẽ vỡ và phá hủy công ty mà ông sáng tạo ra.
Công việc kinh doanh của Huawei đã nhanh chóng hồi phục và đến năm 2010 đã trở thành hãng sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, doanh thu hàng năm đạt 28 tỷ USD, không thấp hơn nhiều so với “người đứng đầu” Ericsson với 30 tỷ USD doanh thu/năm. Năm nay, Huawei, công ty hiện đang tuyển dụng 110.000 nhân công, sẽ có thể vượt qua Ericsson để đứng đầu thế giới.
Thế nhưng đối với chủ tịch Ren, con đường vẫn còn rất dài. Trong 10 năm tới, Huawei muốn đứng đầu không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn cố gắng giành được doanh thu 100 tỷ USD và đứng ngang hàng với các “đại gia” trong làng công nghệ thế giới như Cisco, HP và IBM.
Việc liệu công ty nổi tiếng nhất ngành công nghệ Trung Quốc này có đạt được mục tiêu hay không mang nhiều ý nghĩa. Nó sẽ mang đến “phép thử” cho khả năng các công ty Trung Quốc sẽ chơi trò chơi gì để đứng đầu thế giới. Nó còn cho thấy phương Tây sẵn sàng chào đón một người chơi mới.
Nếu hỏi một chính trị gia tại Washington DC về Huawei, nhiều khả năng ông ấy sẽ nói về một công ty được điều hành theo kiểu quân đội, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động sản xuất được trợ cấp bởi các khoản vay giá rẻ từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Chủ tịch của công ty ngày xưa từng làm việc trong quân đội.
Bất chấp đã tung tiền đầu tư và vận động hành lang tại Mỹ, quan niệm cho rằng Huawei có thể trở thành công cụ tìm hiểu tình hình tại Mỹ vẫn khiến công ty gặp không ít khó khăn và hiện chưa thể thâm nhập được vào trung tâm của thị trường viễn thông Mỹ.
Tháng 11/2010, khi Sprint Nextel, công ty sở hữu mạng di động lớn thứ 3 tại Mỹ, cân nhắc dành hợp đồng hàng tỷ USD cho Huawei, người ta đồn đại rằng chủ tịch của Sprint Nextel đã nhận được một cuộc gọi từ Washington DC và cuối cùng công ty quyết định chuyển hợp đồng sang cho công ty khác. Tháng 2/2011, chính phủ Mỹ còn buộc Huawei bỏ một hợp đồng nhỏ khác trị giá chỉ 2 triệu USD.
Trụ sở của Huawei của Thâm Quyền, gần biên giới Trung Quốc – Hồng Kông, khiến người ta không khỏi ngạc nhiên. Hình ảnh những tòa nhà cao tầng lấp lánh kính ở thung lũng Silicon – thủ phủ ngành công nghệ Mỹ được nhìn thấy ở đây.
Trong thang máy, người ta chứng kiến nhiều khuôn mặt mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Giường được kê kế bên bàn làm việc, chủ yếu dành cho việc ngủ trưa chứ không phải những đêm làm việc tại công sở.
Công ty đi đầu với SingleRAN, nền tảng hệ thống di động cho các tiêu chuẩn không dây khác nhau. Công ty cũng dẫn đầu trong sản xuất thiết bị kết nối internet không dây dùng cho máy tính xách tay.
Thế nhưng không giống với thung lũng Silicon, người ta không hề nhìn thấy máy tính xách tay tại trung tâm căng tin của Huawei. Người ta sẽ phải chấp nhận kiểm tra an ninh rất ngặt nghèo nếu muốn mang máy tính xách tay ra khỏi công ty bởi lo ngại thông tin sẽ có thể rò rỉ sang bên đối thủ.
Ông Song Liuping, trưởng bộ phận pháp lý của công ty, khẳng định Trung Quốc có số lượng bằng sáng chế cần được bảo vệ tương đương với bất kỳ công ty công nghệ lớn nào của phương Tây. Đến năm 2010, công ty đã cấp khoảng 18.000 bằng sáng chế, trong đó có 3.000 bằng ở nước ngoài.
Hiện vẫn còn một số nghi ngờ khó dẹp bỏ về Huawei. Trong một lá thư gửi lên chính phủ Mỹ sau khi thương vụ 3Leaf sụp đổ, phó chủ tịch của Huawei xác nhận có một số khách hàng hưởng lợi từ khoản vay do ngân hàng Trung Quốc cấp nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Huawei đã cố gắng dẹp đi những lo sợ về vấn đề an ninh bằng việc thành lập một số chi nhánh chấp thuận cho các nhân viên an ninh nước sở tại kiểm tra. Cách tiếp cận này cho đến nay chưa phát huy tác dụng tốt tại Mỹ nhưng lại được chấp nhận tại Anh. Tháng 11/2010, công ty thành lập trung tâm đánh giá an ninh tại Anh để công khai thử nghiệm các thiết bị nhằm đáp ứng các quy định về an ninh.
Ông Ren Zhengfei, chủ tịch của Huawei.
Chiến thắng ở nông thôn để thâu tóm thị trường thành thị
Ông Ren Zhengfei, chủ tịch của Huawei, thuộc tuýp lãnh đạo khiến người khác cảm thấy hết sức bị lôi cuốn. Ông sinh năm 1944 trong một gia đình giáo viên, ông học hàng xây dựng dân dụng và sau đó gia nhập quân đội Trung Quốc.
Năm 1987, sau khi rời khỏi quân đội Trung Quốc, ông Ren lập ra Huawei chỉ với 21.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 4.400USD ở tỷ giá khi đó). Ban đầu ông nhập switch điện thoại từ Hồng Kông và sau đó quyết định sản xuất sản phẩm của riêng công ty ông, mỗi năm ông chi ra khoảng 10% doanh thu vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Ông đặt mục tiêu giúp Trung Quốc phát triển ngành viễn thông (Huawei có nghĩa Trung Quốc có thể làm được những điều tuyệt với). Ông đưa ra chiến lược: “Sử dụng khu vực nông thôn để phát triển và cuối cùng thâu tóm các thành phố.”
Cảm thấy rất khó để bán sản phẩm cho các công ty tại các thành phố ven biển của Trung Quốc nơi các công ty nhà nước đã có độ phủ rất lớn, Huawei ban đầu “tấn công” vào các thị trường tỉnh. Công ty nhanh chóng thuyết phục được các công ty địa phương mua sản phẩm của mình và dùng hoạt động kinh doanh này làm nền tảng.
Chiến lược này cũng được áp dụng tại nước ngoài. Tại châu Âu, chính phủ Nga trở thành khách hàng đầu tiên của Huawei. Sau đó, công ty thâm nhập vào châu Âu ban đầu thông qua việc bán sản phẩm cho những công ty kẹt tiền tại châu Âu với mức giá hạ 25%. Tại châu Phi, ngành viễn thông di động hẳn khó có thể phát triển ấn tượng nếu không có nguồn cung thiết bị giá rẻ của Huawei.
Ít nhất trên một phương diện, Huawei khác biệt với nhiều công ty Trung Quốc khác. Huawei tránh đầu cơ vào bất động sản và thị trường chứng khoán. Công ty đặt khách hàng lên trên hết và phát triển sản phẩm hợp tác với các bên vận hành mạng.
Công ty không ngại ngần tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Sau khi đến thăm Mỹ vào cuối thập niên 1990, ông đã quyết định dành 3% doanh thu hàng năm để mua dịch vụ tư vấn từ các công ty phương Tây như IBM.
Tại châu Âu, Huawei thâm nhập được vào các thành phố. Tháng 5/2011, Huawei nhận được đơn hàng sản xuất thiết bị hệ thống di động đầu tiên từ công ty liên doanh Everything Everywhere.
Ông Richard Windsor, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Nomura Holdings, dự báo thị trường hệ thống không dây sẽ trở thành cuộc chơi của 2 người chơi lớn: Ericsson – đi đầu về công nghệ và Huawei – đi đầu về chi phí. Ông khẳng định thị trường cần đến công ty đi đầu về chi phí Huawei để chắc rằng Ericsson nói thật.
Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo Economist)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét