Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Doanh nhân và tinh thần dũng - trí - nghĩa

Các tố chất can đảm, thông minh, dám nghĩ dám làm, thực sự phải có nhiều dũng - trí - nghĩa khí đòi hỏi ở người làm doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mà cũng nên mãi về sau.
-  Năm nay thật khó!
-  Tôi nhớ năm ngoái và năm trước nữa cũng khó vậy?
-   Ừ năm nào cũng khó!
-   Mỗi năm đều như một cuộc đua!
-   Nghề của chúng ta có nét tương đồng như huấn luyện viên bóng đá, có thể thắng nhiều trận trước khi có thể thua một trận và mất tất cả!
-   Ừ, mình có thể đi du lịch hay café, "ăn nhậu" với bạn bè bất chợt nhưng đầu óc lúc nào cũng lo toan...
Trò chuyện với những người bạn làm doanh nghiệp thật thú vị, họ cũng là con người như mọi người, chỉ khác là đang vận hành doanh nghiệp của chính họ, tiền bạc của mình, tài sản thật sự của mình nếu còn hay mất! Mà còn hay mất là ảnh hưởng đến số phận của rất nhiều người khác trong mối tương tác xa gần của xã hội. Chưa kể danh dự cá nhân, dù chỉ một lời hứa với cổ đông và những người thân, bạn bè đã tin tưởng giao phó tài sản, nguồn vốn đầu tư cho mình quản lý!
Nhiều người cũng như dư luận xã hội luôn có đòi hỏi cao từ doanh nghiệp, phải có thêm nhiều trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người lao động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đôi khi chỉ nghĩ đến trách nhiệm phải gánh vác là phải liên tục tạo công ăn việc làm cho anh em trong công ty chưa kể chuyện phải kiếm lời mang về nhà cho vợ con là chủ doanh nghiệp đã phát sốt! Nhiều anh nói, tôi không quan tâm nhiều đến cái gọi là "trách nhiệm xã hội lớn lao" nào, chỉ cần duy trì được công ăn việc làm cho nhân viên, trả lương cho họ đầy đủ theo thỏa thuận thì đã là tốt lắm rồi!

Ngày mai sẽ là một ngày khác!


Những năm tháng công việc thuận lợi, thiên thời - địa lợi - nhân hòa, công ăn việc làm tấn tới thì có cảm giác như cuộc đời thật đẹp! Gặp khi khủng hoảng kinh tế, tình hình khắp nơi khó khăn như hiện nay, phải có thần kinh thép mới sống sót được!
Các lý thuyết kinh tế từ vĩ mô đến vi mô trong sách vở đến thực tiễn công việc dường như không còn đúng với một nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình, nửa thị trường - nửa phi thị trường, với các qui luật thật khó nhìn thấy trước! Có anh bạn nói, ở Việt Nam "càng chuyên nghiệp càng khó cạnh tranh"!  Đây là một nghịch lý thật đáng suy nghĩ!
Có bạn khuyên, thôi thì làm bé bé xinh xinh  - "small and beautiful" - hơn là làm lớn, rủi ro nhiều. Nhưng ai kinh doanh mà không mơ ước có ngày phát triển lớn mạnh hơn?
Không có quốc gia nào có việc lãi suất cao ngất ngưỡng trên 20% như ở ta hiện nay. Toàn bộ gánh nặng chi phí lãi suất làm sao phải hóa giải hết qua vai doanh nghiệp hay đến vai người tiêu dùng đây?
Ngân hàng Nhà nước đang lần nữa kêu gọi sự "đồng thuận" của 12 ngân hàng chủ chốt nhằm hạ lãi suất cho vay xuống mức 17-19% trong giữa tháng 9, tuy nhiên, ai cũng thấy đây là việc làm có tính "phi thị trường" một lần nữa!  Một khi chúng ta cố sử dụng "bàn tay hữu hình" như công cụ tỉ giá, lãi suất, tỉ lệ dự trữ bắt buộc, kiểm soát thị trường vàng, chính sách ngân sách và chi tiêu công của chính phủ .v.v. tác động vào thị trường thì các hệ quả nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy trước của nó thật khó lường.
Vậy phải làm sao đây? Doanh nghiệp đang kêu cứu khắp nơi vì lãi suất cao thế này không thể làm ăn gì được. Có thông tin trên báo chí có thể có vài chục phần trăm doanh nghiệp đã và đang phá sản (?) và rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ, đủ các lĩnh vực, đang phải bất động chờ cứu hay chờ thời! Hệ quả sẽ là vài chục phần trăm công nhân và nhân viên công ty sẽ phải thất nghiệp, là gánh nặng lớn của toàn xã hội.
Các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước cần như một bác sĩ giỏi, phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, cho đúng thuốc để điều trị cả nguyên nhân gây bệnh thì may ra người bệnh là nền kinh tế đất nước mới thoát ra khỏi bệnh tật dai dẳng như lúc này. Nếu chỉ chạy theo điều trị bệnh theo "triệu chứng" thì chỉ cứu chữa được các căn bệnh bộc phát nhất thời, cho các loại thuốc là các giải pháp có tính đối phó, ngắn hạn, về lâu dài khó tránh khỏi một sự suy nhược toàn bộ cơ thể!
Tinh thần doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nhiều khi tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn như hiện nay.
Anh bạn làm trong ngành xây dựng đang thiếu việc làm, thiếu hợp đồng công trình nên phải cho nhiều công nhân nghỉ việc nói: "Không biết chúng tôi có phải là nguyên nhân của lạm phát cao như hiện nay không? Nhưng tất cả chúng ta đang phải trả giá cho nạn lạm phát cao".
Lạm phát cao theo các nhà kinh tế tại các quốc gia tiên tiến nhận định có phần rất lớn, nguyên nhân chủ yếu từ chi tiêu công không hiệu quả, mà các nhà điều hành kinh tế vĩ mô ở ta cũng đã nhận ra từ lâu và đang tiến hành khắc phục. Nghị quyết 11 của Chính phủ xác định rõ nhiều giải pháp bình ổn thị trường, chống lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Một số câu chuyện vui của doanh nghiệp, tán phét với nhau là, một số các ngành ăn uống, dịch vụ, vui chơi giải trí vẫn đang phát triển đấy chứ, vì dù có khó khăn thì "cũng phải ăn uống, phải bàn cách tháo gỡ, phải cho con đi học và mệt quá thì vẫn phải vui chơi, giải trí"! Vẫn có đường cho chúng ta đi đấy chứ!
Khi khó khăn người ta thường làm đủ cách để tồn tại. Các anh bạn Việt kiều hay một số người nước ngoài thường thán phục sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam qua việc "không hiểu tại sao họ vẫn có thể tồn tại trong môi trường khó khăn như thế?". Sĩ diện chăng? Giữ được đạo đức kinh doanh không? Sao không tuyên bố phá sản nếu công việc không còn phát triển nữa, không còn cơ hội vực dậy doanh nghiệp? Hy vọng làm lại có là "cứu cánh" đối với các doanh nghiệp mà sản phẩm, dịch vụ, khách hàng, đối tác - kế hoạch kinh doanh không còn như hoạch định ban đầu? Ở nước ngoài, khó khăn quá, phá sản là chuyện thường mà!
Cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự, tối ưu hóa bộ máy, thay đổi kế hoạch kinh doanh, sẵn sàng xóa đi làm lại từ đầu, dẹp bỏ sĩ diện, sống chung thủy, có trách nhiệm hết lòng với anh chị em nhân viên trong công ty, đòi hỏi các tố chất can đảm, thông minh, dám nghĩ dám làm, thực sự phải có nhiều dũng - trí - nghĩa khí ở người làm doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn hiện nay, mà cũng nên mãi về sau vậy.
Mỗi lúc khó khăn, tôi vẫn lẩm nhẩm, nghêu ngao bài hát "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Sao cho, qua một ngày thêm hy vọng được vui một ngày, chứ không mất đi một ngày.
Ngày mai sẽ là một ngày khác!




SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo Vef)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét