Tumblr là một trong những mạng xã hội lớn nhất hiện nay (ngang ngửa với Facebook) do David Karp sáng lập. Sau sự cố kỹ thuật và bị sập hàng triệu blog vào năm 2010, Tumblr lại lên như diều gặp gió. Hãy cùng nghe David Karp chia sẻ bí quyết.
David Karpl là nhà sáng lập kiêm CEO của Tumblr.
David Karp sáng lập Tumblr vào năm 2007. Lúc ấy, anh chỉ coi Tumblr là thú vui giải trí bên cạnh công việc tư vấn kỹ thuật của mình. Thế nhưng Tumblr lại hấp dẫn dân yêu công nghệ đến mức Karp phải bỏ cả nghề tư vấn để tập trung sức lực cho nó. Và dù biết rằng Tumblr rất “hút khách” nhưng chính anh cũng không ngờ rằng “đứa con đẻ” của mình lại phát triển nhanh đến thế.
Theo thống kê của trang Quantcast, Tumblr phục vụ hơn 19 triệu blogger trên khắp thế giới và thu hút khoảng 7 triệu pageview/tháng. Trong lúc đang “ăn nên làm ra” với 3 nhà đầu tư lớn và khoảng nửa tá các nhà tài trợ thì Tumblr vấp phải một cú đau điếng: hàng triệu blogger không thể truy cập được vào trang Tumblr trong một ngày (tháng 12/2010).
"Mạng của chúng tôi bị sập. Đầu tiên là một máy chủ bị sập rồi kéo cả các máy chủ khác sập theo” – Karp nhớ lại. “Một số nước có thể truy cập lại sau 16 tiếng, trừ Mỹ".
Đó là quãng thời gian khó khăn của Tumblr. Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau vụ sập mạng ấy, số lượt truy cập trang web này không những không giảm mà còn tăng. Bí quyết gì đây? Chúng ta hãy cùng nghe Karp chia sẻ.
Bí quyết 1: Không để sự bảo thủ trở thành vật cản
Mặc dù có nhiều dấu hiệu công ty sẽ sớm “phất” nhưng Karp vẫn nghĩ rằng chỉ cần hai kỹ sư là đủ. Anh cũng không quá sốt ruột dự trù tốc độ phát triển như các nhà đầu tư.
"Các nhà đầu tư lúc nào cũng hỏi tôi có thuê đủ người không, có tiến nhanh được hơn không” - Karp nhớ lại. Lúc đầu, anh nhất định không thuê thêm kỹ sư. Nhưng cú sập mạng năm 2010 đã khiến anh phải nghĩ lại.
“Tôi thích sự hoàn hảo tới mức cố chấp. Chính vì thế tôi không muốn để người lạ tham gia cùng. Thế nhưng ôm hết mọi việc thực ra chỉ làm chúng tôi tiến chậm hơn”.
Bí quyết 2: Nhận trách nhiệm và ứng phó nhanh
Khi mạng Tumblr bị sập, công ty đã lên twitter và thường xuyên cập nhật tình hình khôi phục mạng cho các blogger. Sau khi nói “vô cùng xin lỗi” người dùng vì sự cố, công ty khẳng định với họ rằng các blog của họ sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ sớm hoạt động trở lại.
Trong vòng 24 giờ, mạng Tumblr đã thông suốt nhưng Karp vẫn quay lại Twitter để giải thích nguyên nhân sự cố đồng thời cùng cấp đường link kết nối đến một bài post trên chính blog của Tumblr.
"Khi giải thích, chúng tôi không mổ xẻ những vấn đề kỹ thuật vì cảm thấy như thế thật không hay” - Karp nói. Anh cho rằng, lôi những vấn đề quá kỹ thuật ra nói có thể khiến người dùng phân tâm và thậm chí hoang mang. “Cuối cùng chúng tôi quyết định nêu một số chi tiết chính nhưng tựu trung lại vẫn là chúng tôi đã làm sai, chúng tôi nợ mọi người và chúng tôi đang nỗ lực để trả món nợ đó”.
Và để tránh sự cố mới, cuối tháng đó Tumblr đã tuyển thêm 6 kỹ sư, đưa tổng số kỹ sư của mình lên 8 người.
Bí quyết 3: Trao đổi cởi mở với đội ngũ nhân viên và các nhà đầu tư
Ngay khi xảy ra sự cố, Karp đã bình tĩnh ngồi lại với các nhân viên và giải thích mọi chuyện đồng thời đề ra chiến lược để giải quyết sự cố đó.
"Chẳng hạn chúng tôi ưu tiên trước hết là làm các blog hoạt động trở lại sau mới đến bảng điều khiển của mình” - Karp hồi tưởng. "Những ngày sau, chúng tôi rà soát lại toàn bộ cơ sở hạ tầng của mình để tránh lặp lại sự cố tương tự”.
Tất nhiên, các nhà đầu tư cũng muốn biết nguyên nhân khiến mạng bị sập và làm cách nào để không xảy ra tình trạng đó. Để họ thực sự yên lòng, đội ngũ nhân viên của Karp đã liên hệ với kỹ sư của các công ty lớn đã từng gặp phải sự cố tương tự để xin tư vấn.
Tới thời điểm này, Tumblr đã có 33 nhân viên, trong đó hơn một nửa được tuyển dụng cách đây chưa đầy sáu tháng.
"Chúng tôi liên tục bổ sung thêm máy chủ, nhờ đó, chúng tôi không những bắt kịp với tốc độ tăng trưởng mà thậm chí còn đi trước một bước” - Karp bộc bạch.
SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo Học làm giàu/Entrepreneur)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét