1.TÁC GIẢ: Scott Cheshier và Jago Penrose
Các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam là lớn so với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam , nhưng so với quốc tế thì giống các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn. Dù sao thì 200 doanh nghiệp lớn nhất chiếm một tỷ lệ lớn về lao động, tài sản, doanh thu và thuế trong mọi hình thức sở hữu (nhà nước, tư nhân, nước ngoài) và mọi ngành ở Việt Nam. Trong một số trường hợp, những doanh nghiệp lớn nhất chiếm toàn ngành. Trong 200 doanh nghiệp lớn nhất, gần một nửa các doanh nghiệp chế tạo là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Liên Xô sụp đổ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đi tìm thị trường mới và sản xuất các hàng hóa dịch vụ mới. Thương mại tự do hóa cho phép các doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng. Hơn một nửa các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam là thành viên của các Tồng Công ty. Trong những năm 90, phần lớn các công ty thành viên không phải chịu sự giám sát quản lý cao độ mà được hưởng quyền tự quyết nhiều hơn để thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp mình so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, đôi khi các doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện những ‘trách nhiệm xã hội’ như cứu giúp các công ty thành viên làm ăn thua lỗ để bảo vệ việc làm.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước đang làm thay đổi điều này. Những hàng rào giữa các doanh nghiệp nhà nước đang được dỡ bỏ và cạnh tranh đang gia tăng giữa các doanh nghiệp. Khi tiến hành cổ phần hóa các công ty thành viên, một số tổng công ty đang mất đi sự kiểm soát chính thức. Cùng với thời gian, ý nghĩa chính xác của từ ‘tổng công ty’ ở Việt Nam đã trở nên kém rõ ràng hơn. Trong quá trình chuyển đổi thành mô hình công ty mẹ - con và tập đoàn kinh tế, nhiều tổng công ty đã tiến vào các lĩnh vực bất động sản, du lịch, chứng khoán và thành lập ra các công ty bảo hiểm và ngân hàng của riêng mình.
Các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ có năng lực để đối phó với sự cạnh tranh gia tăng. Họ đang chuyển dịch sang những sản phẩm phức tạp hơn và có chất lượng cao hơn, đa dạng hóa sang các sản phẩm liên quan và tiến vào những lĩnh vực kinh doanh mới. Họ đang thiết lập thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối và thâm nhập các thị trường mới.
Các doanh nghiệp lớn cũng đang đưa ra quyết định về tương lai của mình. Một số doanh nghiệp lớn nhất đang đầu tư với mục tiêu khai thác thêm giá trị từ các hoạt động kinh doanh hiện tại. Một số đang hướng đầu tư vào những lĩnh vực ít có lợi ích xã hội nhưng đem lại nhiều lợi nhuận (hiện tại). Nhiều doanh nghiệp đang kết hợp cả hai loại đầu tư trên. Phong trào đầu tư bất động sản và chứng khoán cần được xem xét trong bối cảnh kinh tế rộng hơn trong đó các chiến lược kinh doanh khác tỏ ra rủi ro và khó thực hiện. Nếu ngành kinh doanh cốt lõi không có nhiều lợi nhuận cho lắm, thì sử dụng lợi nhuận từ việc đầu cơ để cấp vốn cho việc mở rộng và nâng cấp ngành nghề cốt lõi có thể là một chiến lược khả quan. Tuy nhiên, dựa vào các khoản đầu tư mang tính đầu cơ như là nguồn lợi nhuận chính cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Nâng cấp sản phẩm không chỉ là động thái của riêng các doanh nghiệp thuộc các ngành ‘công nghệ cao’. Một số doanh nghiệp được phỏng vấn thuộc ngành dệt may và thủy sản đã đầu tư để tạo thêm giá trị trong ngành sản xuất cốt lõi của mình. Với những doanh nghiệp này, họ có thể tìm được lợi nhuận khi phát triển kỹ năng và công nghệ. Tuy nhiên, quá trình này có thể không kém phần rủi ro so với việc đầu tư vào đất đai và chứng khoán giá cao. Công nghệ thì tốn kém và khó nắm bắt, công nhân cần phải được đào tạo và thị trường cần phải được hiểu rõ. Thường thì người ta xoay sang xây khách sạn, chung cư, khu công nghiệp và thành lập công ty con chuyên mua bán chứng khoán.
Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bằng cách h ạn chế đầu cơ trên thị trường bất động sản và thị trường tài chính. Có thể bước khởi đầu là thuế đất và thuế lãi vốn được thiết kế một cách phù hợp. Ngoài ra, chính phủ có thể hỗ trợ để cho các doanh nghiệp có được lao động kỹ năng bằng cách cải thiện chất lượng của các trường đại học và trường dạy nghề. Hai lĩnh vực chính sách này nổi lên như là những vấn đề chủ chốt trong các cuộc phỏng vấn. Xử lý được những vấn đề này sẽ giúp các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam tăng trưởng và phát triển góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Pass: sachdoanhtri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét