Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

“Lửa” thử doanh nhân “vàng”

Hai người đàn ông có cùng năm sinh 1975, năm xảy ra sự kiện lịch sử trọng đại: đất nước thống nhất. Một người sinh ra trước khi đất nước hòa bình, gắn bó với một công ty nước ngoài; một người chào đời khi chiến tranh đã đi qua, chọn con đường kinh doanh riêng. Dù con đường tiến thân của họ có khác nhau nhưng cảm nghĩ về thế hệ cùng lứa tuổi với mình, về cuộc sống... lại có những nét tương đồng.




Phan Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Tin Gia, sinh ngày 29/5/1975 
* Đánh giá của các ông về thế hệ sinh năm 1975 - thế hệ của mình?
- Ông Phan Xuân Trường: Không kể những người được thừa kế từ gia đình hoặc được đào tạo bài bản ở nước ngoài, những người còn lại thuộc thế hệ của chúng tôi hầu hết đều bước vào đời với một nền tảng kiến thức về kinh doanh rất hạn chế.
Cách đây hơn 10 năm, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, đã có khá nhiều cơ hội làm giàu mà thế hệ của chúng tôi, một số nắm bắt được và trở nên giàu có, một số bỏ lỡ vì tuổi đời còn quá trẻ và không đủ tự tin hoặc điều kiện, đến khi nhận ra thì nhiều cơ hội đã khép lại.
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Thế hệ sinh năm 1975 là thế hệ may mắn gắn liền với cột mốc lịch sử đáng tự hào của dân tộc, thế nên những người thuộc thế hệ này ít nhiều nhận được những ảnh hưởng nhất định. Khi còn nhỏ được nghe cha anh giảng giải về ý nghĩa của cuộc chiến tranh giữ nước, được nghe kể những câu chuyện, những tấm gương anh hùng trong cuộc chiến.
Lớn lên thì trở thành thế hệ trưởng thành đầu tiên tiếp thu lượng thông tin khổng lồ, cách thức kinh doanh với các đối tác nước ngoài do Nhà nước chủ trương mở cửa và tăng cường phát triển máy tính và internet. Thế hệ 1975 là thế hệ giao thoa giữa cũ và mới, đồng thời cũng là thế hệ vàng khi chọn đúng “điểm rơi” tiếp cận cái mới từ thế giới bên ngoài. Có thể nói đó là một thuận lợi so với các thế hệ khác.
* Nếu nhận xét như ông Trường, thì liệu có thể kết luận thế hệ sinh năm 1975 có ý thức cố gắng nhiều hơn?
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Tôi đã chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp cùng lứa tuổi nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn thì lý do thế hệ chúng tôi gắn với cột mốc 1975 cũng không thật sự rõ ràng.
Có lẽ chủ yếu do chúng tôi là những người được tiếp cận thế giới bên ngoài đầu tiên, thế nên cơ hội kinh doanh hay tiếp thu và thay đổi cung cách kinh doanh đến với chúng tôi rất nhiều. Tôi cho đó là điểm khác biệt rõ ràng giữa thế hệ trước và thế hệ sau.
* Vậy, có nên gọi những doanh nhân sinh năm 1975 là doanh nhân trẻ nữa không? Ở độ tuổi này doanh nhân nhiều nước đã trở thành những tỷ phú?
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Một doanh nhân thành đạt có tuổi đời dưới 40 tất nhiên sẽ được xem là doanh nhân trẻ. Nếu so với các tập đoàn trên thế giới thì đúng là quy mô các công ty của chúng ta còn nhỏ bé, nhưng tôi vẫn cảm nhận được rất nhiều giám đốc điều hành người Việt có khả năng lãnh đạo và kinh doanh rất tốt, có thể điều hành và phát triển doanh nghiệp không thua gì doanh nhân các nước trong khu vực.
Hiện họ đã có được những yếu tố cần thiết đối với một doanh nhân: quyết tâm, kinh nghiệm, và đặc biệt là năém bắt thời cơ. Tôi vẫn lạc quan hy vọng trong tương lai nước ta cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp với quy mô lớn và được điều hành bởi chính người Việt.
- Ông Phan Xuân Trường: Nếu so sánh với các nước thì quả là thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 của Việt Nam chưa có ai thực sự nổi danh. Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế: chúng tôi phải kế thừa những gì lịch sử để lại.
Năm 1999, Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới được Quốc hội thông qua; năm 2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP.HCM mới chính thức hoạt động, hình thành “sân chơi” đầu tiên cho khối kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, Sở GDCK London (Anh) đã hoạt động từ năm 1773, Sở GDCK New York (Mỹ) có từ năm 1793, tức là họ đã đi trước chúng ta hơn hai thế kỷ.
Đối với nhiều bạn bè đồng trang lứa với tôi, những khái niệm cơ bản về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi... vẫn còn xa lạ. Bởi vậy, sự lãng phí thời gian, các nguồn lực và nhiều cơ hội phát triển bản thân có lẽ là hệ quả tất yếu.



 
* Nguyên nhân nào khiến doanh nhân “thế hệ vàng” đến nay vẫn chưa có thành tích gì vượt trội, thưa hai ông?
- Ông Phan Xuân Trường: Một trong những mặt hạn chế lớn nhất của chúng ta là yếu tố con người. Như trên đã nói, nếu không xây dựng được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp và thực hiện một cách nhất quán, thì khó quy tụ được nhiều nhân viên giỏi cũng như khó thuyết phục họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Chúng ta chỉ có thể tự tin khi có nhiều lựa chọn, nhưng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đã tồn tại từ rất nhiều năm nay ở hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực của xã hội. Chỉ khi nào giải được bài toán nguồn nhân lực của đất nước thì lúc đó chúng ta mới có thể tự tin về năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp.
* Xét về yếu tố thời điểm thì những người sinh năm 1975 là thế hệ doanh nhân chứng kiến một số cột mốc quan trọng của kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như gia nhập WTO, rồi đương đầu với khủng hoảng kinh tế thế giới. Qua đó, doanh nhân Việt Nam nói chung đã bộc lộ cả điểm yếu và điểm mạnh. Theo hai ông, chúng ta đang có những điểm yếu gì?
- Ông Phan Xuân Trường: Điểm yếu thì rất nhiều, đa dạng và lúc nào cũng có. Có thể điểm yếu lớn nhất của nhiều doanh nhân Việt Nam là không biết rõ, hoặc biết mà không thống kê được hết những điểm yếu của bản thân, của doanh nghiệp mình, của cả nền kinh tế để phân tích, tự điều chỉnh, lên phương án phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn.
Ở Việt Nam, do thủ tục ban đầu đơn giản nên không khó thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khoảng 97% trên tổng số các doanh nghiệp.
Không ít người thành lập doanh nghiệp với mục đích có thể nắm bắt ngay các cơ hội kinh doanh, rồi khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động mới thấy “thiếu thiếu” cái gì đó, lúc bấy giờ mới tham gia các khóa học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản một doanh nhân cần có. Không hiếm doanh nghiệp vẫn còn tình trạng người lãnh đạo chưa đủ tầm vóc để khoác lên người "chiếc áo doanh nhân”.



Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc điều hành Brother International Việt Nam, sinh ngày 20/1/1975
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Tôi nghĩ, chúng ta ra biển lớn chưa lâu, kinh nghiệm và cơ sở vật chất chưa thể so sánh với các nước bạn vốn có lịch sử kinh doanh lâu đời. Do đó, khi các "cơn bão” kinh tế bất ngờ ập đến, hành động lúng túng và đôi khi xử lý chưa chuẩn là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ giúp doanh nhân rút được bài học, kinh nghiệm đối phó với các diễn biến mới. Rất nhiều doanh nhân nước ngoài nhận xét doanh nhân Việt Nam rất nhanh nhẹn trong việc ứng phó với những diễn biến bất thường cũng như có khả năng tính toán cắt giảm chi phí kinh doanh, sản xuất hợp lý. Tất nhiên họ cũng nhận xét chúng ta tương đối kém về khả năng liên kết doanh nghiệp, hiệp hội để tạo ra thế và lực lớn hơn, vững chắc hơn. Việc đầu tư còn mang tính tự phát, manh mún.
* Đúc kết lại, là người trong cuộc, hai ông thấy doanh nhân thuộc thế hệ các ông có thế mạnh chung nào?
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Do lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt, trải qua cả hai thời kỳ bao cấp và mở cửa, hội nhập..., tôi cảm thấy doanh nhân sinh năm 1975 rất chững chạc, thận trọng trong từng quyết định. Họ dám mạo hiểm nhưng cũng không quá liều để đạt được mục đích bằng mọi giá.
- Ông Phan Xuân Trường: Tôi cũng nghĩ vậy. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những năm tháng khó khăn của đất nước sau chiến tranh, những nhận thức xã hội đầu tiên được hình thành gắn liền với những thiếu thốn, gian khổ của thời kỳ bao cấp. Giai đoạn lịch sử này cũng mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm và những bài học thực tiễn về khả năng chấp nhận, thích nghi, và nỗ lực vượt khó.




* Cách đây vài năm, chúng tôi có hỏi một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử về việc bán hay không bán công ty cho đối thủ nước ngoài. Câu trả lời lúc đó là "không". Lý do: Muốn tạo nên sản phẩm, thương hiệu Việt để cạnh tranh với nước ngoài. Còn bây giờ khi hỏi lại thì câu trả lời là "có". Lý do: Nên dựa vào sức mạnh của các tập đoàn nước ngoài. Với những ưu, khuyết điểm chúng ta vừa phân tích thì chiến lược xây dựng một thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong chuỗi giá trị toàn cầu, theo hai ông, sẽ như thế nào?
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Chúng ta chỉ có thể thành công khi biết và dám làm khác với những nước khác. Đã có nhiều nhận định và khuyến cáo của các chuyên gia về việc Việt Nam nên hướng tới phát triển những sản phẩm gì, như thế nào. Vấn đề là khi triển khai chúng ta còn vướng rất nhiều rào cản, từ vốn, công nghệ đến cơ chế, cách thức quản lý của doanh nghiệp và cả của Nhà nước.
Việc sản xuất các sản phẩm Việt mang tính toàn cầu phải nhận được sự phối hợp chặt chẽ và cải cách liên tục từ nhiều tầng lớp xã hội và chính quyền. Tôi nhận thấy cũng có một số tín hiệu tốt, chẳng hạn như chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các quy định quản lý doanh nghiệp, nhưng cũng cần thời gian khá dài mới có thể hoàn thiện một cách tương đối những giá trị này.
- Ông Phan Xuân Trường: Có câu nói: “Thà làm một tướng giỏi còn hơn làm một ông vua tồi và có thể bị tước ngôi bất kỳ lúc nào”. các thương hiệu Việt cũng giống như các tướng trong câu nói trên, nếu không thể một mình “làm mưa làm gió” thì đến một lúc nào đó cũng sẽ phải nghĩ đến việc tìm và lựa chọn các đối tác chiến lược để chia sẻ lợi ích và trách nhiệm. Tức là lấy sở trường của người khác lấp đầy sở đoản của mình, tìm cho mình một chỗ đứng mới trong một tổ chức mới hùng mạnh hơn.
* Ở cái tuổi cũng “khá cứng”, hai ông nhìn nhận thế nào về những khiếm khuyết của xã hội Việt Nam hiện nay?
- Ông Phan Xuân Trường: Một trong những khiếm khuyết đáng nói và cần phải nói là chúng ta tiêu thụ bia, rượu hơi nhiều.
Trong một xã hội mà mỗi người đều cố gắng làm tốt phần việc của mình thì sự phát triển bền vững của xã hội đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Cá nhân tôi không tin tôi có thể làm tốt phần việc của mình trong tình trạng say sưa vài lần mỗi tuần như vậy.
Chúng ta có thể có cảm giác sảng khoái về tinh thần, nhưng thể chất và quỹ thời gian còn lại sẽ không thể đáp ứng được những đòi hỏi của công việc nếu tình trạng đó kéo dài nhiều ngày. Nếu có “đụng chạm”, thậm chí có thể có một vài khách hàng, bạn bè tự ái hoặc tẩy chay thì tôi vẫn muốn nói lên thực trạng này.
- Ông Nguyễn Hoài Nam: Cái gì cũng có hai mặt. Một xã hội đang tồn tại những khiếm khuyết tức cũng hứa hẹn nhiều cơ hội. Tôi thích đi tìm cơ hội hơn. Giải quyết những khiếm khuyết hiện hữu để phục vụ cho cơ hội tìm được là công việc hằng ngày chúng ta cùng nhau phấn đấu làm. Chỉ tìm khuyết điểm rồi chỉ trích, chứ không đưa ra giải pháp giải quyết không phải là hành động khôn ngoan.
* Xin cảm ơn hai ông về cuộc trò chuyện này.


Sách DOANH TRÍ's Blog 
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét