Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

'Khủng hoảng toàn cầu vì từ bỏ bản vị vàng'

Chuyên gia khủng hoảng tài chính Richard Duncan (Mỹ) cho rằng nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là các quốc gia đã mất kiểm soát khi in tiền giấy và từ bỏ chế độ bản vị vàng.

Sang Việt Nam nói chuyện với sinh viên kinh tế TP HCM, tác giả của cuốn sách “The Dollar Crisis: Causes, Consequences, Cures” - Tiến sĩ Richard Duncan đã có cuộc phỏng vấn riêng với VnExpress về suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình kinh tế Việt Nam.
- Các chuyên gia kinh tế thế giới đều lo ngại tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục suy thoái. Còn nhận định của ông?
- Khả năng tiếp tục xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng kép là rất lớn. Tín dụng của Mỹ đã tăng 50 lần so với 50 năm trước, từ 1.000 tỷ USD lên thành 50.000 tỷ USD. Khoản tiền này được bơm ra giúp cho nền kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, người đi vay không còn khả năng chi trả thì cuộc khủng hoảng sẽ bùng nổ. Hiện nay chính phủ Mỹ vẫn cố gắng bơm tiền vào nền kinh tế nhưng đến một lúc nào đó chính phủ không thể bơm tiền thì khả năng xảy ra suy thoái là rất lớn.
- Theo ông cuộc suy thoái kinh tế hiện nay có gì khác so với năm 2008- 2009? Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lần này là gì?
- Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và cuộc khủng hoảng hiện nay không có sự khác biệt, thậm chí cả hai cuộc khủng hoảng này có thể được xem là sự tiếp nối. Năm 2008-2009, khi khủng hoảng nổ ra, chính phủ Mỹ thấy nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống đã bơm tiền ra để nâng đỡ nhưng không hiệu quả. Khủng hoảng hiện nay là giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng lần trước.
Cuộc khủng hoảng đáng để so sánh nhất là cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 1930 theo sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914. Lúc đó, các ngân hàng Mỹ từ bỏ hệ thống tiền tệ được đảm bảo bằng vàng, còn gọi là bản vị vàng. Các ngân hàng bắt đầu in tiền giấy và phát hành ra thị trường. Về mặt lý thuyết, khi nền kinh tế có nhiều tiền sẽ tạo nên sự phát triển vượt bậc. Năm 1929-1930 nền kinh tế Mỹ phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên đến khi người đi vay không còn khả năng chi trả thì nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng. Chính phủ Mỹ lúc đó đã không can thiệp vào cuộc khủng hoảng này mà để cho các yếu tố nội tại của thị trường tự chi phối, điều chỉnh và tự phục hồi. Song khi nền kinh tế tạo được sự cân bằng vào năm 1932 thì tổng sản lượng giảm gần 50%.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng bắt nguồn từ nguyên nhân giống như trước đây, các nước, trong đó có Mỹ tùy tiện in tiền giấy và từ bỏ bản vị vàng. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng USD được gắn với giá trị vàng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu. Các chính phủ sử dụng thước đo giá trị cố định này nếu chấp nhận thanh toán cả tiền mặt của chính phủ nước khác bằng vàng sẽ có liên hệ tiền tệ ấn định (lượng tiền mặt lưu hành, tỷ giá quy đổi...), cứ 35 USD quy đổi ra một ounce vàng. Chế độ bản vị vàng là liều thuốc đề kháng được sự bành trướng tín dụng và nợ nần. Một khi đồng tiền được bảo đảm bằng vàng sẽ không cho phép chính phủ tùy tiện in tiền giấy.
Sau đó, chính sách bản vị vàng bị Mỹ bỏ đi và áp dụng chế độ tiền luật định, in tiền nhưng không gắn với giá trị vàng. Chính phủ Mỹ đã liên tục in tiền giấy và bơm ra thị trường để phát triển nền kinh tế dựa vào tín dụng. Năm 1971 hiệp ước Bretton Woods sụp đổ, các nước đã bơm nhiều tiền vào nền kinh tế và dùng chế độ tiền luật định dựa trên tín dụng. Tuy nhiên, một khi người đi vay không còn khả năng chi trả và chính phủ không đủ sức bơm tiền vào nền kinh tế thì cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển sang giai đoạn suy thoái.
Ông Richard Duncan chuyên nghiên cứu về lĩnh vực khủng hoảng tài chính, trong buổi nói chuyện với sinh viên kinh tế TP HCM hồi cuối tháng 9. Ảnh: Vũ Lê
- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng?
- Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính là do các nền kinh tế mất kiểm soát trong việc in tiền giấy. Trước đây tiền tương ứng với vàng và được xem như hàng hóa, hết vàng thì không in tiền nữa. Nhưng hiện nay tiền có tính pháp định do nhà nước in ra, không còn là hàng hóa quy đổi từ vàng. Cứ thế, trong vòng 40 năm qua, chính phủ in tiền và bơm vào nền kinh tế. Lâu dần, đến một lúc nào đó cả người đi vay và chính phủ đều mất khả năng kiểm soát.
- Nhiều lo ngại tình hình nợ công của EU và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Quan điểm của ông ra sao?
- Nợ công của châu Âu và Mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là chính phủ không có kiểm soát trong vấn đề in tiền và đồng thời cũng không có kiểm soát trong vấn đề vay mượn tiền. Hai yếu tố này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trước đây tiền gắn liền với vàng nên chính phủ không thể vay được nhiều vì vàng có hạn, do đó người dân cũng không vay được nhiều. Hiện nay chính phủ vay quá nhiều thì lãi suất sẽ bị đẩy lên. Khi lãi suất tăng cao thì nền kinh tế bị giảm sút. Tiền mang tính pháp định nên chính phủ muốn vay bao nhiêu thì vay, vay càng nhiều thì chi tiêu càng nhiều. Điều này tương ứng với câu "Bạo phát thì bạo tàn".
Không kiểm soát trong chi tiêu cũng như trong việc in tiền của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ công gia tăng của các nước châu Âu. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến thương mại quốc tế. Nếu tiền được đảm bảo bằng vàng thì Mỹ muốn mua hàng Trung Quốc và trả bằng USD thì phải đảm bảo có tiền trong ngân hàng Trung ương. Lúc nào cần đổi từ tiền USD qua vàng thì phải luôn có sẵn. Một lúc nào đó dùng hết vàng thì chính phủ phải dừng, không mua hàng ngoại được nữa.
Hiện nay thế giới mất đi sự cân bằng về tài chính. Đơn cử Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc hàng năm khoảng 250 tỷ USD. Hoặc trường hợp của nước Đức xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc để lấy USD về nhưng họ lại cho Hy Lạp mượn để chi tiêu. Nhưng hiện Hy Lạp sụp đổ nên sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến Đức lẫn Trung Quốc. Nếu các nền kinh tế vẫn duy trì hệ thống bản vị vàng thì tình trạng hiện nay sẽ không xảy ra. Việc đồng USD đang chạy lòng vòng khắp thế giới và gây ảnh hưởng khủng hoảng domino đến nhiều nước.
- Dòng vốn đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang các nền kinh tế mới nổi. Theo ông sự dịch chuyển này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và các nước trong khu vực?
- Tình trạng hiện nay ở hầu hết các nền kinh tế là cái gì cũng giảm nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng cao. Thách thức của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực chính là nước Mỹ. Nếu thế giới gặp khó khăn thì Việt Nam cũng gặp khó khăn. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Tôi đã sống và nghiên cứu kinh tế châu Á 20 năm và nhận ra rằng Trung Quốc đã phát triển quá nhanh và hiện nay bắt đầu xuất hiện những bong bóng khổng lồ. Còn Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu. Như vậy trong vòng 30 năm nữa Việt Nam mới phát triển như Trung Quốc bây giờ. Đó là lý do tại sao nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng.
Dòng vốn dịch chuyển khắp thế giới chứ không chỉ đến châu Á hay các thị trường mới nổi. Không chỉ đến Trung Quốc, Việt Nam... mà vốn cũng chạy đến Mỹ để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của nước này. Nếu nhìn về châu Á thì gần đây vốn FDI đang chảy về Trung Quốc rất nhiều. Điều quan trọng để ngăn ngừa rắc rối là phải kiểm soát được lượng tín dụng. Tín dụng quá nóng, tăng quá nhanh sẽ tạo ra nhiều nguy cơ tiêu cực cho nền kinh tế. Tín dụng tăng 10% một năm đã là quá nhiều. Trước đây tôi từng ở Thái Lan, có lúc tín dụng nước này đã tăng đến 25%.
Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn đang chảy khắp thế giới vì giàu tài nguyên thiên nhiên, bờ biển dài, hai vùng đồng bằng lớn, có giá nhân công rẻ...
Ông Richard Duncan bắt tay sinh viên Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê
- Chuyên nghiên cứu về khủng hoảng tài chính, theo ông các nền kinh tế nên làm gì để vượt qua khủng hoảng? Đâu là điểm cuối của suy thoái kinh tế toàn cầu?
- Theo tôi, nên tăng lương cho người lao động trong các nhà máy, các xưởng sản xuất. Trong thời kỳ đầu của giai đoạn công nghiệp hóa ở châu Âu, lương công nhân rất thấp dù họ làm ra rất nhiều sản phẩm nhưng không có khả năng tài chính tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra. Người dân không thể mua được hàng hóa vì lương quá thấp sẽ khiến cho cung cầu mất cân đối cho nền kinh tế và xảy ra khủng hoảng.
Hiện nay không phải là giai đoạn công nghiệp hóa mà là toàn cầu hóa, có nhiều nền kinh tế mới nổi gây chú ý. Chẳng hạn như Trung Quốc, họ sản xuất hàng hóa nhiều nhưng lương của người dân vẫn thấp, vì vậy cung cầu cũng không gặp nhau và điều tất yếu là sẽ xảy ra khủng hoảng.
Như vậy, chính phủ các nước phải làm sao, trên toàn cầu nói chung, lương của công nhân trong một năm phải tăng ít nhất một USD. Ví dụ hiện nay doanh nghiệp và nhà nước đang trả lương công nhân 5 USD mỗi ngày thì sang năm phải trả cho họ 6 USD một ngày. Thu nhập tăng chính là động lực để những người này tiêu thụ hàng hóa, cung cầu gặp nhau thì nền kinh tế sẽ phát triển ổn định.
Trên bình diện toàn cầu hóa, tăng lương cho công nhân chỉ là một trong số nhiều giải pháp quan trọng để các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tùy vào đặc thù riêng của từng quốc gia mà việc điều tiết và cân nhắc các gói giải pháp kha khác sao cho phù hợp. Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc tất nhiên đều phải có những giải pháp đặc thù riêng biệt để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Hiện nay không ai biết kinh tế toàn cầu liệu có rơi vào suy thoái hay không. Kinh tế toàn cầu hiện nay chưa thực sự rơi vào suy thoái nhưng tình trạng khủng hoảng đã rõ rệt. Chính phủ các nước đang tìm cách nâng đỡ nền kinh tế và chưa ai dám đoán liệu đâu là điểm cuối của quá trình này.
- Từng nghiên cứu về tình hình thị trường tài chính châu Á, ông đánh giá như thế nào về thị trường tài chính Việt Nam? Theo ông Việt Nam nên có những giải pháp gì để ứng phó với tình hình không ổn định của thị trường tiền tệ hiện nay?
- Tôi không đứng ở vị trí có thể trả lời các vấn đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên, lạm phát nói chung trên thế giới đều có hai nguyên nhân. Thứ nhất là do yếu tố bên ngoài, ngân hàng trung ương Mỹ bơm tiền ra thị trường quá nhiều khiến cho giá lương thực thực phẩm bị đẩy lên cao và các quốc gia khác không thể kiểm soát được tình trạng này. Nguyên nhân thứ hai là yếu tố nội tại, đặc biệt đối với các nước đang phát triển có thể là do tốc độ phát triển quá nhanh.
Ông Richard Duncan từng giữ vị trí Giám đốc toàn cầu của Công ty quản lý quỹ đầu tư ABN AMRO (London), chuyên gia tài chính của World Bank (Washington D.C). Ngoài ra, ông còn giữ vai trò quản lý tại James Capel Securities and Salomon Brothers (Bangkok), chuyên gia tư vấn cho Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Thái Lan. Hiện tại Richard Duncan là thành viên trong hội đồng quản trị quỹ đầu tư Blackhourse (Singapore).


SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét