Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Bia tự chế ở Trung Quốc sôi sùng sục

Trong căn phòng chật chội ở một phố nhỏ của Bắc Kinh, thợ nấu bia tự học Carl Setzer sử dụng những hạt tiêu khô Tứ Xuyên cay xè, lá trà ô long và vỏ quế để sáng tạo ra những hương vị bia hợp với khẩu vị người Trung Quốc.

Một cô
Một cô gái đang rót bia vào cốc lớn để bán cho khách tại quán Great Leap Brewing. Ảnh: AFP
Người đàn ông Mỹ có thân hình lực lưỡng là ông chủ của Great Leap Brewing, một trong những "nhà máy bia siêu nhỏ" nhưng ngày một đông đảo về số lượng tại Trung Quốc. Những xưởng sản xuất này hy vọng thu hút được nhiều khách hàng tại thị trường bia lớn nhất thế giới bằng các loại bia tự chế.
Người Trung Quốc bỏ tiền ra mua hơn 40 tỷ lít bia mỗi năm, nhưng phần lớn trong số này là để chi cho những loại bia nội có giá rẻ, thường chỉ vào khoảng 50 xu mỗi chai.
Bia Tuyết (Snow beer), được pha chế bởi SABMiller và đối tác Trung Quốc là China Resources Enterprise, là loại bia bán chạy nhất tại đất nước 1,3 tỷ dân. Xếp thứ hai là bia Thanh Đảo, được sản xuất bởi một trong những nhà máy bia lâu đời và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc.
Nhưng điều đó không có nghĩa chẳng còn miếng bánh thị trường bia nào cho những nhà máy bia siêu nhỏ. Setzer và nhiều người làm nghề ủ bia tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải hy vọng thu hút được tầng lớp trung lưu ngày một lớn ở Trung Quốc. Đây là những người thích vị bia nước ngoài và có thể trả số tiền tương đương với 15 cốc bia nội để đổi lấy một cốc bia mang hương vị ngoại nhập.
"Có khoảng 50 tới 60 triệu người thường uống bia tại đất nước này. Hãy nhắm tới 10% của con số đó và xem liệu chúng ta có thể tạo ra một thị trường hướng tới những người muốn điều gì đó tốt hơn một chút, khác biệt một chút", Setzer nói.
Setzer quảng cáo rằng bia của anh có "hương vị" và "cái hồn" không giống với các loại bia nội của Trung Quốc. Anh chàng người Mỹ làm ra khoảng 800 lít bia mỗi tuần dành cho hàng trăm "ẩm khách" nước ngoài và Trung Quốc, những người dừng chân tại khoảng sân nhỏ theo kiểu truyền thống để uống một cốc bia.
Khoảng sân nhỏ của quán Great Leap Brewing luôn chật kín khách tới uống bia. Ảnh: AFP
Khoảng sân nhỏ của quán Great Leap Brewing luôn chật kín khách tới uống bia. Ảnh: AFP
Ho Punyu, 34 tuổi, là một khách hàng thường xuyên của Great Leap Brewing sau khi được những người bạn ngoại quốc giới thiệu tới đây khoảng một năm trước. "Bia Thanh Đảo hay bia Yến Kinh có vị như nước vậy", Ho, một nhà tư vấn đầu tư tại Bắc Kinh nói với AFP. "Tôi xem xét mọi thứ theo quan điểm giá trị. Hương vị phải ngon còn giá cả thì phải chăng."
Tại quán Boxing Cat Brewery ở Thượng Hải, nơi mỗi panh bia nhạt (khoảng 0,58 lít) có giá 45 tệ (khoảng 7 USD). Gần một nửa khách uống bia ở đây là người Trung Quốc. Ông Michael Jordan, chủ quán Boxing Cat Brewery, cho rằng đó là minh chứng cho sự tồn tại của một thị trường dành cho "loại bia đỉnh cao" ở Trung Quốc.
"Công việc kinh doanh ở đây vẫn còn sơ khai vì thế còn rất nhiều cơ hội", Jordan, người bán 2.000 lít bia mỗi tuần, nói. "Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức vì văn hóa Trung Quốc không quen với các loại bia làm thủ công vốn được cho là có nhiều loại hương vị phức tạp hơn thông thường."
Lượng tiêu thụ bia ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua, lên tới con số 40 tỷ lít mỗi năm so với chỉ 1,5 tỷ lít vào năm 1961. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người, Trung Quốc vẫn còn kém xa các quốc gia ở châu Âu về khoản uống bia. Mỗi người Trung Quốc trung bình uống 24 lít bia mỗi năm, tức là ít hơn rất nhiều so với hơn 160 lít của người Ireland và Cộng hòa Séc.
Người Trung Quốc đã chế biến bia từ hàng nghìn năm nay, nhưng lại nổi tiếng nhiều hơn với loại rượu trắng trứ danh, được chưng cất từ cao lương và gạo. Với tốc độ khoảng 5-10 %/năm, tăng trưởng của thị trường bia tại Trung Quốc chậm hơn nhiều so với tăng trưởng ở thị trường rượu, thứ đồ uống là lựa chọn của những người muốn gây ấn tượng mạnh với người khác.
"Chúng tôi hy vọng lượng tiêu thụ rượu vang đỏ sẽ tăng khoảng 20 tới 30 % mỗi năm trong ít nhất là 5 năm tới. Đây là một trong những mảng thị trường béo bở nhất vào lúc này", Shaun Rein, giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải, nói.
Thực đơn bia trong quán Great Leap Brewing. Ảnh: AFP
Thực đơn bia trong quán Great Leap Brewing. Ảnh: AFP
Nhưng những tay thợ làm bia tự học không vì thế mà nao núng bởi một đất nước 1,3 tỷ dân như Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho tất cả mọi người. Setzer thường xuyên thử nghiệm các loại nguyên liệu địa phương, để tạo ra những hương vị bia mới nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng. Cho tới nay, những sáng tạo thành công nhất của anh chàng người Mỹ là bia Iron Buddha Blonde được chế biến cùng với trà ô long, hay Honey Ma Gold làm từ hạt tiêu khô Tứ Xuyên cay xè và mật.
"Honey Ma Gold là kết quả của 33 lần thử nghiệm", Setzer vừa nói vừa nhấp một panh bia. "Bạn càng làm một thứ gì nhiều, bạn sẽ càng muốn phát điên vì nó."
Các nhà phân tích cho rằng thành công của các nhà sản xuất bia siêu nhỏ tại Thượng Hải và Bắc Kinh có được là nhờ những người ngoại quốc xa quê sống tại Trung Quốc, và cả những người Trung Quốc sống ở nước ngoài hoặc làm việc với những người phương Tây. Các loại bia tự chế đã đáp ứng được nhu cầu của họ, điều khó có thể xảy ra tại những khu vực bên ngoài các thành phố lớn.
Hầu hết các loại bia ở Trung Quốc được bán trong những chai lớn tại các nhà hàng. Đó đều là các thương hiệu bia lớn. "Tôi không nghĩ rằng các nhà sản xuất bia mini có thể giành được sự nổi tiếng rộng rãi, vì luôn có một sự khác biệt trong gu thưởng thức, cũng như khác biệt trong quan điểm về giá và khái niệm thế nào là bia", ông Rein giải thích. "Những người Trung Quốc điển hình thích các loại bia nhiều nước, nó mang lại vị nhẹ hơn nhiều."
Sam Mulligan, giám đốc nghiên cứu thị trường của tập đoàn DDMA tại Thượng Hải, cũng đồng ý với nhận định trên. "Bia ở Trung Quốc được coi là một đồ uống dành cho người lớn nhiều hơn là một loại đồ uống trang trọng", Mulligan nói. "Bạn có thể thấy người ta uống bia vào bữa sáng."
Nhưng như Setzer nói, anh và những người làm bia tự chế chỉ cần nhắm vào 10% số người uống bia tại Trung Quốc. Những quán bia như quán của Setzer vẫn đông kín khách mỗi ngày, và đó là minh chứng cho việc 'đặc sản' bia tự chế đang dần có chỗ đứng tại Trung Quốc

SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét