Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Soi gương

Một con gà trống hay mái, đứng trước tấm gương, dù có nghiêng ngó cử động đến điệu bộ nào thì vẫn chỉ là gà, và trống vẫn hoàn trống, mái vẫn là mái! Nhưng, khi Sam Walton, người sáng lập ra Wal-Mart, soi gương thì ông lại thấy cả Hannibal (247-183 TCN). Vì sao?


1. Chắc chắn đó không phải là chiếc gương thần cho Sam Walton ngắm nghía, ngẫu hứng phù phép. Đó là cuộc tiếp kiến của tư duy điều hành từ cổ nhân đến người đương thời.



Hannibal là một nhà lãnh đạo nổi lên từ cuộc xung đột giữa hai siêu cường thời cổ đại nhằm chiếm quyền kiểm soát khu vực phía Tây Địa Trung Hải. Sam Walton là một Hannibal trong cuộc chiến tranh bán lẻ của thế kỷ XX.
Khi Carthage và Rome đang tranh giành quyền lực thì Hannibal giành quyền chủ động và từ đó làm đảo lộn thế giới. Hannibal chỉ huy một đội quân vượt qua dãy Alps giữa mùa Đông để tiến vào lãnh địa La Mã, chiến thắng vì tạo được sự bất ngờ, chiếm ưu thế về sức mạnh.
Sam cũng chiếm một La Mã trong lĩnh vực bán lẻ (Kmart) bằng cách sử dụng công nghệ máy tính - điều mà chưa có nhà bán lẻ nào từng làm. Ông kiếm tiền bằng cách tiến vào các thị trường mà đối thủ đã từ bỏ vì cho rằng chúng nằm ở khu vực nông thôn hay quá nhỏ bé không đáng quan tâm tới.
Kmart đã phải phá sản khi thay vào đó là Wal-Mart với hơn một triệu nhân công ở Mỹ và hai triệu người làm việc trên toàn thế giới. Cũng với lối suy nghĩ đầy sáng tạo, Serge Brin và Larry Page của Google đã dám đối đầu và đánh bại hai đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Microsoft và Yahoo!
Người dám thách thức sự khôn ngoan thông thường và có khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi các lối mòn để tạo ra những kỳ tích, đó là một trong những tố chất hàng đầu của giới lãnh đạo tài năng.
2. Các nhà lãnh đạo vĩ đại biết cách làm thế nào để xây dựng sự đồng thuận và động viên thuộc cấp hơn là chú trọng đến tư lợi. Xenophon đã gạt sang một bên những vấn đề cá nhân để lãnh đạo các đồng đội Hy Lạp của mình thoát khỏi tình huống nguy hiểm ở Ba Tư.
Đây cũng là cách mà Lou Gerstner và Anne Mulcahy thực hiện để giải cứu IBM và Xerox. Lãnh đạo phải có tham vọng mới thành công được.
Juluis Caesar là người đầy tham vọng. Ông đã dẫn dắt La Mã trở thành một đế quốc, nhưng thành công lại khiến ông tin rằng mình là thánh sống và làm ông mờ mắt trước những hiểm nguy xung quanh.
Có nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh và các “chúa tể vũ trụ” ở Phố Wall có điểm tương đồng với Caesar, nhưng không ai nổi bật như Hank Greenberg, người đã xây dựng công ty bảo hiểm AIG thành một đế chế rồi sau đó bị hạ gục tại đỉnh cao thành công bởi chính các con “dao găm kinh doanh” của các giám đốc dưới quyền.
Quyền lực, tham vọng và vinh quang ở thì quá khứ có thể định hướng cho tương lai. Nguyên giá trị ở phẩm chất lãnh đạo vẫn là thúc đẩy những người đi theo chia sẻ tầm nhìn, truyền cảm hứng thông qua việc làm gương, khả năng nhận ra vấn đề và kỹ năng giải quyết, phát triển và duy trì một quan điểm kiên định dù đối diện với thành công hay thất bại, thấu hiểu những giới hạn của con người và biết khi nào phải gò cương và khi nào buông lỏng cương đối với cộng sự lẫn đối thủ...
Lãnh đạo của các công ty ngày nay đang theo đuổi các mục đích như những nhà lãnh đạo thời cổ đại: sự giàu có, thành tựu và uy tín.
Nhưng ai là người tỉnh táo, nhạy bén khi vận dụng kinh nghiệm của người đi trước cùng với sự thịnh vượng của khoa học kỹ thuật để trở thành một “độc cô cầu bại” trong lãnh địa của mình?
Trả lời câu hỏi này ở dạng tương đối cũng đã là một cách đẩy lùi hiện trạng khủng hoảng trong thế giới quản trị doanh nghiệp hiện nay.
3. “Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi”. Đó là cuộc triển lãm của Cung điện Versailles (Pháp) trưng bày những chiếc ghế - những ngai vàng khắp các nơi trên thế giới - biểu tượng của quyền lực và quyền uy, từ thời cổ đại đến thời hiện đại.
Thông điệp của cuộc triển lãm này như nhắc nhở loài người có cách nhìn đa diện về quyền lực và quyền uy. Sự oai nghiêm và vị thế của quyền lực, sự tìm kiếm giá trị và ý nghĩa đích thực của hai chữ “quyền uy”.
“Quyền lực là vị thế, vị trí, địa vị xã hội phân công cho con người được sử dụng quyền lực đó. Nhưng quyền uy lớn hơn thế và đòi hỏi dụng công hơn nhiều. Quyền uy là sự tổng hợp của một loạt điều kiện: Quyền lực + tài năng + nhân cách + uy tín + hiệu quả cách sử dụng quyền lực”, một nhà báo đã chiêm nghiệm về triển lãm này.
Nếu đặt ý niệm này trong khả năng điều hành một quốc gia thì sự tái khám phá những giá trị từ cổ chí kim không phải là vô dụng. Ngai vàng thực chất là sự tôn vinh cấu trúc của một chiếc ghế. Người ngồi trên ghế là người có quyền lực. Nhưng để thiết lập một sức mạnh của quyền uy thì cần có một phép cộng của nhiều yếu tố.
Quản trị quốc gia, theo từng cấp độ, cũng tính đến cách tạo quyền uy văn minh, ngoài việc tổ chức quyền lực. Và sâu sắc hơn, giá trị nào sẽ được truyền cảm hứng cho hậu thế soi gương cổ nhân như một lẽ phải của đạo đức quốc gia? 



SÁCH DOANH TRÍ's Blog
(Theo DNSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét