Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Vận rủi của Howard Stringer

Đã 6 năm trôi qua, Howard Stringer vẫn chưa hoàn thành sứ mạng vực dậy Sony. Nhiều người xem ông là kẻ thất bại, nhưng thực tế không hẳn vậy.
Tin xấu liên tục xảy ra tại Sony (Nhật). Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu đã giảm 31%, còn 2.035 yên (15.6.2011) trên sàn chứng khoán Tokyo. Sony đã thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp. Công ty lại bị thiệt hại nặng trong trận động đất tháng 3 vừa qua. Gần đây nhất là vụ tin tặc tấn công các dịch vụ trực tuyến, lấy đi thông tin của hàng triệu khách hàng. Những điều này khiến cho ông chủ của Sony, Howard Stringer, trở thành một kẻ thất bại trong mắt nhiều nhà đầu tư, nhưng thực tế không hẳn vậy.


Howard Stringer, Tổng Giám đốc của Sony
Stringer đã đảm nhận trọng trách đại tu Sony từ năm 2005. Trong suốt thời gian giữ chức Tổng Giám đốc, ông đã mang lại những thay đổi đáng kể cho tập đoàn hàng điện tử tiêu dùng này. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn tụt lại đằng sau các đối thủ lớn như Apple (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc), nhưng theo đánh giá của tờ The Economist, Sony giờ đã khỏe hơn rất nhiều so với cách đây 6 năm.
Cải tổ Sony
Năm 2005, Stringer thừa hưởng một công ty làm ăn sa sút, điều hành kém và đã bỏ lỡ cuộc chuyển giao công nghệ sang tivi màn hình phẳng. Khi ấy, là người xứ Wales mang quốc tịch Mỹ, ông được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi dù đau đớn nhưng cần thiết mà một ông chủ người Nhật có thể khó lòng thực hiện do sức ép văn hóa (văn hóa doanh nghiệp kiểu Nhật đánh giá người lao động dựa trên mức độ gắn bó, thâm niên làm việc của họ tại công ty. Và sa thải là chuyện hiếm khi xảy ra).
Những năm đầu tiên đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Sony, Stringer đã cắt giảm mạnh chi phí. Đặc biệt, năm 2009, ông đã tiết kiệm được thêm 3 tỉ USD chi phí bằng cách sa thải 16.000 lao động và cắt giảm phân nửa số nhà cung cấp xuống còn 1.200 công ty. Stringer cũng không ngần ngại khai tử một số bộ phận từng ăn nên làm ra nhưng nay đã trở thành gánh nặng, trong đó có việc tuyên bố ngưng sản xuất máy nghe nhạc cassette Walkman vào cuối năm ngoái.
Mặc dù Sony có truyền thống tự sản xuất ra mọi sản phẩm của mình (không giống như Apple, thường thuê ngoài sản xuất để tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và marketing), nhưng Stringer sẵn sàng phá vỡ truyền thống đó. Chẳng hạn, tính đến nay, Sony đã thuê ngoài sản xuất 50-60% tivi so với chỉ 20% vào năm 2009. Stringer cũng đã cho đóng cửa những nhà máy không thiết yếu, trong đó có nhà máy ở Ichinomiya (Nhật). Đây là nhà máy đã sản xuất ra tivi Trinitron, biểu tượng một thời cho thấy trình độ kỹ thuật xuất sắc của Sony.
Trong những năm đầu tiên tại nhiệm, Stringer cũng đã loại bỏ nhiều “cây cao bóng cả” trong Công ty - những nhà quản lý cứng nhắc luôn phản đối cải cách của ông. Đồng thời, ông đề bạt những nhà điều hành trẻ tuổi có tài như Kazuo Hirai (50 tuổi), người đã giúp tái thiết bộ phận video game của Sony sau nhiều năm thua lỗ.
Một số nỗ lực của Stringer đã bắt đầu mang lại kết quả. Hai bộ phận điện thoại di động và game đã có lãi vào năm 2010. Vào cuối năm ngoái, doanh số bán tivi của Sony đã tăng 44% và doanh số bán máy tính cũng tăng 28%. Bộ phận tivi vẫn còn bị thua lỗ nhưng đã ở vị thế vững vàng hơn (dù doanh số tăng mạnh nhưng giá bán giảm đã ăn vào lợi nhuận của bộ phận này).
Trong những tháng gần đây, Sony đã tung ra những mẫu điện thoại thông minh mới cùng với một chiến lược thông minh nhằm thuyết phục các nhà phát triển tạo ra các game video hỗ trợ cho các sản phẩm này. Công ty cũng đã thiết kế những mẫu máy tính bảng cải tiến có thể cạnh tranh với iPad của Apple. Máy tính notebook Vaio của Sony được giới chuyên môn đánh giá là đối thủ xứng tầm với các máy tính xách tay của Apple. Những sản phẩm phần cứng này rất quan trọng vì chúng là cổng vào các dịch vụ trực tuyến, bộ phận được cho là nắm giữ tương lai của Sony. Và đó cũng là lý do vì sao các vụ tin tặc tấn công đã gây thiệt hại cho Sony nhiều đến thế.
Stringer gặp hạn
Thế nhưng, những tai họa, cả cũ lẫn mới, đã ngăn cản nỗ lực lội ngược dòng của Stringer. Chưa kịp hồi phục sức khỏe sau cơn bạo bệnh thì Sony lại bị thêm một trận cúm mới từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Đồng yên mạnh - nỗi đau muôn thuở của các công ty xuất khẩu Nhật - đã làm giảm sức cạnh tranh của Sony ở các thị trường nước ngoài.
Thảm họa động đất và sóng thần vào tháng 3 vừa qua đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại 10 nhà máy của Sony ở miền Bắc nước Nhật, cắt đứt các chuỗi cung ứng quan trọng và làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật. Thảm họa này cũng khiến cho Sony không thể triển khai các kế hoạch tung ra sản phẩm mới như dự kiến.
“Chúng tôi đã dự định sẽ tạo ra bước nhảy vượt bậc trong năm 2011. Nhưng vào lúc này, trận động đất đã phủ bóng mây lên nỗ lực của chúng tôi”, Masaru Kato, Giám đốc Tài chính của Sony, phát biểu tại một buổi họp báo ở Tokyo vào cuối tháng 5.2011. Trước khi trận động đất càn quét qua, Sony dự kiến đạt lãi ròng 70 tỉ yên (817 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2011. Tuy nhiên, trận động đất đã gây thiệt hại nặng nề cho Sony, ước tính khoảng 2 tỉ USD.
Trận động đất cũng buộc Công ty phải tính toán lại số tiền miễn giảm thuế dự kiến sẽ được khấu trừ từ các khoản nộp thuế trong tương lai. Mức giảm lên tới 360 tỉ yên (4,4 tỉ USD) so với tính toán ban đầu. Sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động hoặc dòng tiền của Sony nhưng đã buộc Công ty phải tuyên bố mức lỗ ròng năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2011 lên tới 259 tỉ yên (3,2 tỉ USD). Đây là mức lỗ lớn nhất trong 16 năm qua của Sony và là mức lỗ năm thứ 3 liên tiếp.
Gần đây nhất là vụ tin tặc tấn công mạng trò chơi trực tuyến PlayStation Network và nền tảng giải trí Qriocity, đánh cắp thông tin cá nhân của 77 triệu khách hàng, trong đó có cả mã số thẻ tín dụng. Là người đứng đầu Sony, Stringer phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Stringer và dàn quản lý cấp cao tại Sony đã làm cho tình hình tồi tệ hơn khi mất gần 1 tuần mới công bố vụ tin tặc tấn công và hơn 1 tháng mới hoàn toàn nắm rõ và giải quyết vấn đề. Điều này đã khiến cho Sony bị chỉ trích nặng nề trong nhiều tuần qua.
Có thể nói, mặc dù Stringer đã rất nỗ lực, nhưng 6 năm trôi qua, ông vẫn chưa thể xua tan nỗi tuyệt vọng không chỉ tại Sony mà còn tại một số công ty lớn khác trước tình trạng giảm phát kéo dài của nền kinh tế Nhật. Cùng với những loạng choạng gần đây, Stringer, nay đã 69 tuổi, hầu như không còn thời gian để chứng tỏ mình có thể hoàn thành sứ mạng vực dậy Sony.
Cuối tháng 5.2011, Stringer cho biết ông muốn lãnh đạo Sony cho đến năm 2013 để tiếp tục triển khai các kế hoạch nhằm nâng cao khả năng sinh lợi của Công ty. Trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4.2011, Sony đặt mục tiêu sẽ đạt 80 tỉ yên (984 triệu USD) lãi ròng. Nhưng giới phân tích cũng bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu Stringer có thể giữ vị trí này đến lúc đó và nếu được, liệu có cơ may nào để ông thành công?
“Sứ mệnh của ông ấy chỉ mới hoàn thành được một nửa. Sony có thể sẽ để ông tiếp tục sứ mệnh của mình vì cũng không có nhiều ứng cử viên tốt hơn để lựa chọn. Tuy nhiên, rất khó kỳ vọng tình hình tại Sony sẽ khác đi và tiến lên phía trước”, Hideki Yasuda, chuyên gia phân tích công nghệ cấp cao tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Ace Economic Research Institute (trụ sở tại Tokyo), nhận định. 


Sách DOANH TRÍ's Blog
(Theo The Economist & NYT/NCĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét