Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Denis Diderot Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật

GIỚI THIỆU SÁCH
1) Về tác giả:
Denis Diderot (1713 - 1784) là kiến trúc sư­ của công trình Bách khoa thư ­ (Encyclopédie) đồ sộ, nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, sôi nổi “lòng yêu chân lý và chính nghĩa”, nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo. Ông là “nhà thơ lớn, nhà họa sĩ lớn, nhà điêu khắc lớn, nhà nhạc sĩ lớn… tuy ch­a từng bao giờ làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, nặn t­ượng” (F. Grimm).
Mua sách tại Zamina.vn
2) Về tác phẩm:


Diderot bàn về mỹ học và văn học nghệ thuật ở nhiều công trình khác nhau, cuốn sách là tập hợp bảy công trình quan trọng của ông:
- Luận về cái đẹp (Traité du beau)
- Về những tác gia và các nhà phê bình (Des auteurs et des critiques)
- Những tùy bút về hội họa (Essais sur la peinture)
- Châm biếm 1 (Satire I)
- Tán dương Richardson (Éloge de Richardson)
- Trò chuyện với Dorval về Đứa con hoang (Entretien sur Le Fils naturel)
- Ý kiến ngược đời về diễn viên (Paradoxe sur le comédien)
3) Mục lục
Lời giới thiệu
Luận về cái đẹp
Về những tác gia và các nhà phê bình
Những tùy bút về hội họa
I - Những ý nghĩ kỳ quặc của tôi về hội họa
II - Những ý nghĩ vụn vặt của tôi về màu sắc
III - Tất cả những gì tôi đã hiểu trong đời tôi về sáng tối
IV - Điều mọi người biết về biểu hiện và khía cạnh mọi người không biết
V - Đoạn về bố cục ở đấy tôi hy vọng là tôi sẽ nói đến nó
VI - Vài lời của tôi về kiến trúc
VII - Một hệ luận nhỏ từ những vấn đề trên
Châm biến I
Tán dương Richardson
Trò chuyện với Dorval về Đứa con hoang
Ý kiến ngược đời về diễn viên
4) Điểm nhấn
“Người ta từng nói rằng màu sắc đẹp nhất thế gian là cái màu đỏ dễ thương mà vẻ ngây thơ, trẻ trung, khỏe mạnh, nhu mì và bẽn lẽn nhuộm trên đôi má một thiếu nữ; và người ta đã nói một điều không những tinh vi, cảm động và tế nhị mà còn chân thực nữa; bởi vì chính da thịt là cái khó thể hiện nhất; chính cái màu trắng ấy, trắng đều không tái nhợt cũng không xỉn; chính cái hỗn hợp màu đỏ và xanh lam ấy nó chỉ hơi ánh lên phơn phớt; chính là máu, là sự sống chúng làm cho nhà nghệ sĩ tô màu tuyệt vọng. Ai có được ý thức về da thịt là đã tiến một bước dài; mọi cái còn lại so với nó chẳng nghĩa lý gì cả. Ngàn họa sĩ đã chết đi mà chưa cảm nhận được da thịt; ngàn họa sĩ khác cũng sẽ chết mà chưa cảm nhận được nó.”
(trích Những ý nghĩ vụn vặt của tôi về màu sắc, Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật, Denis Diderot, Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri thức, 2013).
Giới thiệu thêm về Diderot
Diderot bắt đầu viết bài phê bình tranh trưng bày trong phòng triển lãm ở Paris cho tờ Thư tín văn học, triết học và phê bình kể từ cuộc triển lãm năm 1759 và liên tục cho tới khi ông sắp qua đời…
Diderot trước hết là một nhà triết học duy vật tiến bộ ở thời đại ông. Nhưng đồng thời, ông cũng tiếp cận văn hóa, nghệ thuật với lòng say mê thật sự của một tâm hồn nghệ sĩ. Là nhà triết học, ông thấy cần thiết phải xem xét, mở rộng các luận điểm của mình ra các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngược lại, là nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật, phần đóng góp mới của ông là đã xem các lĩnh vực này dưới ánh sáng của triết học. Nói khác đi, ông đưa đấu tranh triết học vào văn học nghệ thuật.
Diderot không phải là người phê bình nghệ thuật đầu tiên trong Thư tín văn học, triết học và phê bình. Ông đã tiếp thu công việc đó từ F. Grimm, người sáng lập ra tờ tạp chí. Nhưng nếu đối với bạn đọc về những cuộc triển lãm hội họa thì Diderot đưa vào đây ngòi bút chiến đấu. Đứng vững trên quan điểm của mình, ông mạnh dạn khen chê dứt khoát, chứ không chỉ khen một chút, phê một chút cho đủ lệ bộ. Phê bình không thể dung hòa với tâng bốc, khen lấy được, bất chấp sự thật, chỉ vì đó là tác phẩm của người có quyền thế.
Tình bạn và sự nể nang thường khi cũng làm cho ngòi bút phê bình thiên lệch, không còn hoàn toàn giữ được tính chất khách quan. Nhưng có lẽ ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng Diderot không bao giờ viết ra điều gì trái với ý nghĩ của mình. “Tôi, tôi yêu mến Michel, nhưng tôi còn yêu mến chân lý hơn”. Dòng chữ ấy mở đầu bài phê bình Michel Van Loo (họa sĩ Ý) trong phòng triển lãm năm 1767, chính là nguyên tắc phê bình của tác giả. Mà đấy là triết gia đang phê bình bức chân dung của chính ông do Michel Van Loo vẽ với tất cả tấm lòng quý trọng.
Trong thực tế cuộc sống, ở thời đại nào cũng vậy, người phê bình dám nói lên sự thật đã hiếm, người được phê bình dám nghe sự thật về những thiếu sót trong tác phẩm của mình mà không mếch lòng lại càng hiếm hơn. Nhưng thiếu phê bình thì làm sao chân lý được sáng tỏ, văn nghệ được phát triển? Diderot hiểu rõ lắm. Ông khuyên nghệ sĩ: “Dù bạn thành công thế nào đi nữa, bạn hãy trông đợi phê bình. Nếu bạn tế nhị một chút, bạn sẽ ít mếch lòng vì sự đả kích của kẻ thù hơn sự bênh vực của bè bạn” (Suy nghĩ tản mạn). Tuy nhiên cái khó của công việc phê bình không phải chỉ là biết vạch ra các thiếu sót của tác phẩm, mà phải biết khen và khen đúng chỗ. Đây là một mặt của phê bình thường bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua. Khen và chê, mặt nào quan trọng hơn, thật khó nói. Đây không phải chuyện có khen, có chê, mỗi thứ một chút mà các cây bút phê bình tầm thường vẫn quen làm; khen không làm cho nghệ sĩ phát huy được ưu điểm, mà chê nhiều khi lại có vẻ lên mặt dạy đời. Có thể khen hoặc chê từ đầu đến cuối nếu tác phẩm đáng như vậy. Người nói đến phê bình, hình như trước hết người ta chỉ nghĩ đến chê. Người ta ngứa ngáy muốn cầm bút phê bình khi thấy có thể “phê” tác phẩm chỗ này chỗ nọ. Thuật ngữ “phê bình” phải chịu trách nhiệm một phần trong việc tạo nên tâm lý lệch lạc. Diderot mỉa mai: “Còn gì ngốc nghếch bằng cái công việc luôn luôn ngăn mình không được thích thú hoặc cái công việc của nhà phê bình”. Chưa kể đến những kẻ kèn cựa cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những cái tốt, cái hay trong tác phẩm của người khác, nhất là của bạn đồng nghiệp. Diderot chua chát nhận xét là: “Có ít, rất ít kẻ thẳng thắn vui mừng trước thành tựu của những người theo đuổi cùng nghề nghiệp với mình, đó là một trong những hiện tượng hiếm hoi nhất của tự nhiên”. Lắm kẻ xảo quyệt không vạch ra được những thiếu sót trong tác phẩm của người khác liền chơi trò tiểu nhân tung ra những ý kiến mơ hồ cốt gieo rắc sự phân vân, ngờ vực trong dư luận. “Tôi đặc biệt không ưa những kẻ tung hỏa mù đó – tác giả viết – chúng giống như cơn gió táp đầy bụi vào mắt”.
Đâu phải cứ vạch ra những thiếu sót cho nhiều thì mới là ngòi bút phê bình sắc sảo. Diderot chẳng bao giờ quan niệm một cách ấu trĩ như vậy. Phải biết phát hiện và trân trọng những đốm lửa tài năng...
Phùng Văn Tửu
“Có ít, rất ít kẻ thẳng thắn vui mừng trước thành tựu của những người theo đuổi cùng nghề nghiệp với mình, đó là một trong những hiện tượng hiếm hoi nhất của tự nhiên” 
– Denis Diderot.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét